Ngày càng có nhiều quốc gia khuyến nghị hoặc cân nhắc tiêm mũi thứ hai bằng loại vắc xin khác, sau khi dữ liệu sơ bộ cho thấy chiến lược này vừa an toàn vừa nâng cao hiệu quả ngừa Covid-19.
Đối mặt tình trạng thiếu vắc xin Covid-19 và các phản ứng phụ không báo trước, một số nước quyết định áp dụng chiến lược tiêm cùng lúc 2 loại vắc xin khác nhau, theo Đài NPR của Mỹ. Sau khi Canada và một số quốc gia châu Âu triển khai cách tiếp cận này, những nước khác đang theo gót hoặc cân nhắc áp dụng.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu hy vọng biện pháp tiêm đa vắc xin không những giải quyết tình trạng thiếu hụt mà còn tạo sự linh hoạt hơn trong các phác đồ tiêm chủng có sẵn, theo hướng tăng cường hiệu quả ngừa Covid-19.
An toàn và hiệu quả tới đâu ?
Các nước châu Âu đang nghiên cứu nhằm xác định mức độ an toàn, dạng phản ứng miễn dịch được tạo ra và hiệu quả miễn dịch có thể kéo dài trong bao lâu nếu một người được tiêm 2 liều vắc xin khác nhau.
Nửa triệu người Brazil đã chết vì Covid-19
Rạng sáng qua (giờ VN), Brazil trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sau Mỹ vượt mốc 500.000 ca tử vong vì mắc Covid-19, Reuters dẫn thông báo của Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho hay.
Theo số liệu chính thức của Bộ Y tế, Brazil trong tuần qua ghi nhận trung bình 2.000 người chết mỗi ngày vì Covid-19, và số ca mới theo ngày tiếp tục dao động từ 70.000 đến hơn 80.000. Tình hình dịch bệnh tại 19 thuộc 27 bang đang nguy cấp, khi các bệnh nhân Covid-19 chiếm hơn 80% số giường bệnh ở khu chăm sóc đặc biệt (ICU) tại các bệnh viện. Tại 9 bang, con số này vượt mốc 90%. Trong lúc dịch bệnh hoành hành, chiến dịch tiêm vắc xin ở Brazil đang diễn ra khá chậm chạp. Hiện khoảng 11% dân số được tiêm đủ liều vắc xin, và 29% mới tiêm 1 liều, theo AP.
Tại Anh, Đại học Oxford đã thực hiện cuộc nghiên cứu mang tên Com-CoV2 nhằm xác định mức độ an toàn và hiệu quả của việc tiêm kết hợp vắc xin AstraZeneca và Pfizer/BioNTech. Phát hiện ban đầu cho thấy người được tiêm cả 2 loại xuất hiện phản ứng phụ ở mức độ nhẹ hoặc trung bình so với nhóm tiêm đủ liều của một loại vắc xin.
Trong cuộc nghiên cứu mở rộng Com-CoV2, các chuyên gia đang thử nghiệm kết hợp các vắc xin khác ngoài 2 loại trên, chẳng hạn như Moderna và Novavax.
Chiến lược đối phó biến chủng
Sự xuất hiện các biến chủng mới của SARS-CoV-2 cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu buộc các nước phải cân nhắc tiêm kết hợp các vắc xin khác nhau.
Diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á
Hôm qua 20.6, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 17 ca Covid-19 tử vong, giảm nhẹ so với con số kỷ lục được ghi nhận ngày 19.6 là 20, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh lên 431, theo tờ Khmer Times. Bộ Y tế Campuchia còn ghi nhận thêm 659 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 42.711 ca.
Cùng ngày, giới chức y tế Thái Lan ghi nhận thêm 20 ca Covid-19 tử vong và 3.682 ca nhiễm trong 24 giờ, đẩy tổng số ca tử vong và số ca nhiễm lên lần lượt 1.629 và 218.131 ca, theo tờ Bangkok Post.
Cũng trong ngày 20.6, số ca nhiễm Covid-19 mới ở Indonesia, Philippines và Malaysia đều ở mức cao. Giới chức Indonesia hôm nay ghi nhận thêm 371 ca Covid-19 tử vong, mức cao nhất kể từ đầu tháng 4, nâng tổng số ca tử vong lên 54.662. Giới chức Indonesia còn ghi nhận thêm 13.737 ca nhiễm Covid-19, mức cao nhất kể từ ngày 30.1, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 2 triệu ca, theo Reuters.
Bộ Y tế Philippines cũng ghi nhận thêm 84 ca Covid-19 tử vong và 5.803 ca nhiễm, nâng tổng số ca tử vong và số ca nhiễm lên lần lượt 23.621 và 1.359.015, theo tờ The Philippine Star. Tương tự, giới chức y tế Malaysia cùng ngày ghi nhận thêm 5.293 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 696.408, với hơn 4.300 ca tử vong, theo báo The Star. Văn Khoa
Bên cạnh việc tiêm 2 vắc xin khác nhau, các nước cũng đang cân nhắc tiêm liều tăng cường cho những người đã đủ liều để bảo vệ cơ thể trước biến chủng mới. Theo chiến lược mới, mũi tiêm đầu tiên có thể là AstraZeneca, kế đến là Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, và liều tăng cường có thể là Novavax.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự phối hợp những dòng vắc xin khác nhau có thể tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể. Trong tương lai, cách tiếp cận này có thể dẫn đến sự ra đời của các dòng vắc xin “đa năng”, đủ sức bảo vệ con người trước những biến chủng khác nhau.
Diễn biến tại các nước
Hiện Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho phép kết hợp 2 liều vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna trong những tình huống đặc biệt, chẳng hạn như khi thiếu vắc xin hoặc người được tiêm không rõ nguồn gốc của mũi tiêm đầu, theo The Conversation. Từ đầu tháng 6, nước này cũng triển khai cuộc thử nghiệm lâm sàng tiêm liều tăng cường bằng vắc xin khác cho người trưởng thành và đang chờ kết quả.
Trong khi đó, Canada từ ngày 17.6 khuyến nghị các tỉnh bang nên tiêm vắc xin khác (Pfizer/BioNTech hoặc Moderna) cho liều thứ hai nếu mũi đầu là vắc xin AstraZeneca, theo bác sĩ Caroline Quach-Thanh, người đứng đầu Ủy ban Tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada.
Cơ quan Quản lý dược phẩm Ý (AIFA) ngày 14.6 khuyến khích người dưới 60 tuổi tiêm mũi đầu AstraZeneca nên tiêm mũi thứ hai bằng vắc xin khác. Ở Tây Ban Nha, Bộ trưởng Y tế Carolina Darias cũng công bố chính sách tương tự sau khi xem xét kết quả sơ bộ của báo cáo do Viện Y tế Carlos III thực hiện.
Ngày 18.6, Hàn Quốc cho biết sẽ tiêm mũi vắc xin Pfizer/BioNTech cho khoảng 760.000 người đã tiêm mũi đầu là AstraZeneca. Tại Bahrain, Bộ Y tế cũng thông báo áp dụng liều tiêm tăng cường cho những người đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19, và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng đưa ra thông báo tương tự.
Thanh niên/ Thụy Miên