Theo các nhà nghiên cứu, nhân bản các loài linh trưởng biến đổi gene có lợi ích cho thực hiện các xét nghiệm y tế. Tuy nhiên, thông tin này đang gây nhiều tranh cãi.
Những con khỉ nhân bản tại Trung Quốc.
Kết quả đã có năm con khỉ sơ sinh được sinh ra tại Viện Khoa học thần kinh của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Thượng Hải đều có chung các gene giống nhau, có nguồn gốc từ một nguyên bào sợi lấy từ da của một con khỉ.
Tất cả 5 con khỉ đều mang bản sao của một gene cụ thể. Gene này thường tạo ra một loại protein điều tiết có vai trò quản lý một số nhịp sinh học nhất định ở động vật có vú.
Nhưng trong phiên bản thay đổi, protein này không được tạo ra, khiến động vật biểu hiện các triệu chứng rối loạn sinh học, chẳng hạn như giảm giấc ngủ và di chuyển nhiều hơn vào ban đêm bên cạnh dấu hiệu lo lắng và trầm cảm, cùng với các hành vi giống như tâm thần phân liệt.
"Rối loạn nhịp sinh học có thể dẫn đến nhiều bệnh ở người, bao gồm rối loạn giấc ngủ, đái tháo đường, ung thư và các bệnh thoái hóa thần kinh", nhà khoa học thần kinh Hung-Chun Chang nói.
Do đó, những con khỉ có thể được sử dụng để nghiên cứu cơ chế bệnh sinh cũng như phương pháp điều trị.
Sử dụng động vật biến đổi gene để nghiên cứu bệnh tật gần như là điều tất nhiên trong nghiên cứu y học ngày nay. Các nhà khoa học thường xuyên “bật” và “tắt” một số gene ở chuột, ruồi và cá để nghiên cứu tác dụng sinh lý của chúng.
Theo dantri.com.vn/Minh Long (Theo Science Alert)