Sáng nay ngày 5/7, Hội thảo Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam đã được diễn ra thành công với sự góp mặt của các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, lãnh đạo các doanh nghiệp.
Hội thảo được tổ chức bởi WIPO - Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam VIPA phối hợp cùng Cục Sở hữu trí tuệ IP Việt Nam, Hiệp hội Nhãn hiệu Quốc tế INTA.
Tại hội thảo, các đại biểu chỉ rõ, Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định, Thỏa ước quốc tế nên việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp cơ bản thuận tiện, làm giảm được thời gian và chi phí. Tuy nhiên cũng chính vì vậy mà việc cạnh tranh ngày càng quyết liệt, trong đó có các yếu tố liên quan đến các cam kết về sở hữu trí tuệ, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu.
Hiện nay, số lượng đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu so với số lượng doanh nghiệp Việt Nam còn khá khiêm tốn, nhiều doanh nghiệp còn chưa chú trọng về vấn đề này.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết: "Thực tiễn cho thấy, rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị thương gia nước ngoài chiếm dụng đã gây nên tổn hại về kinh tế trong thời gian vừa qua, rất nhiều trường hợp đã không thể đòi lại được. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài thì việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa cho doanh nghiệp là yêu cầu song hành của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay".
Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp có vai trò quan trọng trong tiếp thị thành công một loạt sản phẩm, giúp xác định hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp, đây cũng là nhân tố chính trong chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho doanh nghiệp thông qua việc thu phí chuyển quyền sử dụng kiểu dáng cho người khác hoặc thông qua chuyển nhượng kiểu dáng được đăng ký.
Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, ông Lê Ngọc Lâm cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm vững các quy định để bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu đối với các sản phẩm.
“Hiện nay, một số hệ thống đăng ký quốc tế đã được thiết lập như hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo thỏa ước nghị định thư Madrid; hệ thống đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp của thỏa ước La Hay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và đối với kiểu dáng công nghiệp. Việc đăng ký này được đăng ký ở nước ngoài một cách đơn giản dễ dàng, giảm thời gian, chi phí. Việc nắm vững được cách vận hành của các hệ thống quốc tế để từ đó sử dụng thành thạo và hiệu quả các hệ thống này, bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu của doanh nghiệp ở nước ngoài là điều các doanh nghiệp nên làm”, ông Lâm chỉ rõ.
Ông Phạm Nguyên Xuân Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng đề cao tầm quan trọng của việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam: "Việc Việt Nam tham gia vào các Hiệp định, Thỏa ước quốc tế giúp cho việc đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài được đơn giản hóa. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nói riêng để doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thương trường".
Cũng tại hội thảo, các đại biểu và các doanh nghiệp chia sẻ về kinh nghiệm làm thế nào để bảo hộ hình dáng bên ngoài độc đáo của sản phẩm, về việc bảo hộ kiểu dáng ở nước ngoài theo Hague - Hệ thống quốc tế về đăng ký kiểu dáng. Chuyên gia cấp cao của WIPO còn trình bày cách thức các chủ doanh nghiệp Việt Nam có thể bảo hộ thương hiệu, logo và tên sản phẩm của họ khi mở rộng kinh doanh ra các nước bên ngoài lãnh thổ Việt Nam bằng cách sử dụng Hệ thống Madrid của WIPO để đăng ký nhãn hiệu quốc tế.
Đồng thời, hội thảo còn giới thiệu các công cụ trực tuyến mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để tính toán chi phí bỏ ra, cách thức tra cứu cơ sở dữ liệu nhãn hiệu quốc tế… nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Sở hữu trí tuệ/ Hương Mi