Lễ tuyên dương Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2019 vinh danh những thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy cho các học sinh là người dân tộc thiểu số tại các lớp học thuộc các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tối ngày 16/11/2019, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Lễ tuyên dương Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2019.
Chương trình này nhằm khơi dậy tinh thần xung kích, tình nguyện, sẵn sàng cống hiến trong thanh niên; ghi nhận những cống hiến bền bỉ, không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ, đặc biệt là đóng góp của đội ngũ giáo viên đang công tác tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Phát biểu tại chương trình, bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khẳng định rằng các thầy cô giáo đang thực hiện thiết thực lời dạy của Bác Hồ về chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Những năm qua, nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo từ miền xuôi đã đến với vùng miền núi, dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn để dạy chữ cho các em với tấm lòng yêu thương học trò, yêu nghề, sống nhân ái, nghĩa tình. Dù khó khăn, gian khổ, các thầy, cô giáo luôn phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ, là những người không chỉ mang con chữ, kiến thức văn hóa đến cho học sinh dân tộc thiểu số, mà còn góp phần thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cho sự phát triển bình đẳng và bền vững của các dân tộc trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Dưới sự dạy dỗ, dìu dắt của các thầy, cô, nhiều thế hệ học sinh, sinh viên là người các dân tộc thiểu số đã trở thành những cán bộ, đảng viên, có người làm thầy giáo, thầy thuốc, chiến sĩ, sĩ quan quân đội, công an… và trở về phục vụ đồng bào, góp phần xây dựng quê hương vững mạnh.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ các chương trình hỗ trợ thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ để các thầy giáo, cô giáo có điều kiện thuận lợi hơn trong giảng dạy, nâng cao trình độ chuyên môn.
Năm 2019, Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" tuyên dương những thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy cho các học sinh là người dân tộc thiểu số tại các lớp học thuộc các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Năm nay, Ban tổ chức tuyên dương 63 gương thầy cô giáo từ các tỉnh, thành phố; người trẻ tuổi nhất là cô Mùa Thị A (sinh năm 1993, công tác tại Trường Mầm non Hoa Đào, xã Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La) và người nhiều tuổi nhất là cô Nguyễn Thị Mai Hương (sinh năm 1965, công tác tại trường Trường THCS Nguyễn Huệ, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu). Cô Nguyễn Thị Mai Hương cũng là người có thời gian tham gia dạy lâu năm nhất (32 năm 2 tháng), có 23 giáo viên là người dân tộc thiểu số.
Mỗi thầy giáo, cô giáo dạy học sinh dân tộc thiểu số được tuyên dương năm nay, sẽ được nhận 1 sổ tiết kiệm 10 triệu đồng từ Tập đoàn Thiên Long; Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong vòng 5 năm trước đó, Ban tổ chức Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" đã tuyên dương gần 300 trăm giáo viên có những thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, đặc biệt hơn nữa, các giáo viên đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện công tác khắc nghiệt, môi trường làm việc thiếu thốn…
Năm 2015, Chương trình đã tuyên dương 64 giáo viên “cắm bản” tiêu biểu, xuất sắc đang công tác ở các trường học điểm lẻ thuộc 64 huyện nghèo.
Năm 2016, Chương trình đã chọn và tuyên dương 42 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, xuất sắc đang công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo, có thời gian công tác trên đảo từ 3 năm trở lên và có nhiều đóng góp trong việc giáo dục học sinh tạo được những chuyển biến nổi bật về chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Năm 2017, Chương trình đã tuyên dương 60 gương là cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tham gia hoặc đã từng tham gia công tác dạy học, xóa mù chữ cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo của Tổ quốc hoặc có nhiều đóng góp trong việc vận động nguồn lực giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước tới trường.
Năm 2018, 48 gương giáo viên được tuyên dương là những nhà giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dân trí/ Mai Châm