Sáng nay (27/11/2018), tại Tp.HCM Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ TPHCM đã phối hợp với Tổng Cục Quản lý thị trường và Công ty Vina CHG tổ chức hội thảo với chủ đề “Diễn đàn chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0”. Sự kiện nhân kỷ niệm 11 năm ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam(29/11).
Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của đại diện ngành chức năng và hàng trăm doanh nghiệp với mong muốn tìm kiếm một giải pháp tối ưu trong vấn đề phòng chống hàng gian, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 11 tháng qua của năm 2018, trên cả nước có gần 80.000 vụ việc vi phạm trong vấn đề hàng gian, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ được ngành chức năng phát hiện, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017 với tổng số tiền bị phạt và tịch thu hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Điều này cho thấy, tính chất và mức độ vi phạm trong việc làm hàng giả, hàng nhái, sao chép nhãn hiệu, thương hiệu ngày càng tinh vi và phức tạp. Nhiều đối tượng đã tận dụng sức mạnh của công nghệ để thực hiện những hoạt động phi pháp, quy mô hoạt động xuyên biên giới, kinh doanh hàng gian hàng giả thu lợi bất chính.
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng để chống hàng gian, hàng giả có hiệu quả hơn thì phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan chức năng. Bộ ngành,chức năng cần kiện toàn văn bản pháp luật, tăng chế tài mạnh chế tài xử phạt đủ sức răn đe, trường hợp nghiêm trọng cần tuy tố hình sự.
Về phía cơ quan chức năng cần tăng cường tập huấn đào tạo nâng cao nghiệp vụ của lực lượng quản lý thị trường, nhất là tập huấn về phòng chống hàng gian, hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ ở lĩnh vực thương mại điện tử.
Lực lượng thực thi nhiệm vụ cần nắm rõ thông tin, địa bàn để có phương án kịp thời phát hiện, kiểm tra xử lý các vụ hàng gian, hàng giả có hiệu quả. Về phía doanh nghiệp cần có những giải pháp cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng và sử dụng các biện pháp công nghệ chống hàng giả hiệu hơn và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong công tác này.
Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ tại TPHCM cho rằng doanh nghiệp phải tự chủ động và bảo vệ, biện pháp công nghệ là một trong những biện pháp cần thiết để phòng và chống. Có thể là cài đặt mật khẩu, có thể sử dụng tem, có thể sử dụng mã Corde, sử dụng PR Corde, hay sử dụng cả blockchain - đó là công nghệ mới trong thời kỳ 4.0. Ngoài ra doanh nghiệp cần cập nhật thêm kiến thức mới để có những biện pháp đầy đủ, an toàn và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chính chúng ta.”
Viết Sáng