Tại buổi tọa đàm “Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP.HCM”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã có những chia sẻ, phân tích đáng chú ý. Trong đó đặc biệt là về đề án trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP HCM và Đà Nẵng.
Sáng nay 17-2, tọa đàm với chủ đề: "Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM" được Báo Người Lao Động tổ chức, dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ, các bộ ngành, TP HCM, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TP HCM” nhằm trao đổi, hiến kế giải pháp tạo đột phá trong phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là cú hích cho TP HCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế vùng, kinh tế của cả nước. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022; tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường…
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn tham gia buổi toạ đàm cùng các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, lãnh đạo các sở, ngành của TP HCM, doanh nghiệp. Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, đề án trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng đã được đặt hàng và chuyển cho một đơn vị tư vấn của Mỹ xây dựng và nghiên cứu.
Đề án này được xây dựng với những bước đi cụ thể, chi tiết… để trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và trình Quốc hội thông qua. "Chúng tôi sẽ được các bộ, ngành góp ý, nhà tư vấn Mỹ cũng đã nghiên cứu kỹ và có tính khả thi rất cao. Nếu được thông qua, nhà đầu tư Mỹ đã cam kết bước đầu họ sẽ đồng ý rót vốn khoảng 10 tỉ USD vào Việt Nam, trong đó 4 tỉ USD ở Đà Nẵng và 6 tỉ USD ở TP.HCM để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Sau khi xong hoàn toàn, đề án sẽ bàn giao cho TP.HCM và kết hợp với những đề án mà thành phố đã nghiên cứu, để tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch trước khi triển khai", ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho hay.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định: Thời gian là vàng, chậm sẽ mất cơ hội. Từ năm 2016, đề án về một trung tâm tài chính quốc tế đã được đề xuất nhưng thời điểm đó chúng ta chưa sẵn sàng nên chưa thể triển khai: “ Chúng tôi đã làm việc từ năm 2016 đến nay, và hiện đã có kế hoạch, lộ trình về việc cần có một trung tâm tài chính Việt Nam đặt tại TP HCM và Đà Nẵng. "Đơn hàng" nghiên cứu đề án này cũng được đặt hàng và chuyển cho một đơn vị tư vấn của Mỹ xây dựng và nghiên cứu.”
Đề án này sau đó được xây dựng theo hướng mở từng bước, và theo Nghị quyết 128, trung tâm tài chính quốc tế sẽ được đặt tại TP HCM và trung tâm tài chính khu vực đặt tại Đà Nẵng, với những bước đi cụ thể, chi tiết… để trình Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và trình Quốc hội thông qua.
Ông chia sẻ thêm: “Tôi được biết, khát vọng của Việt Nam gần đây đang hướng đến bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để Việt Nam đến năm 2045 trở thành nước phát triển. Vì vậy, vốn và thị trường vốn rất cần cho nhu cầu phát triển của Việt Nam và TP HCM.
Cần vốn nhưng chúng ta cũng cần chọn lọc, nguồn vốn phải chất lượng cao và gắn với thị trường vốn phát triển; nhà đầu tư có uy tín và tiềm lực sẽ thu hút các ngân hàng và tập đoàn tài chính lớn trên thế giới, đưa nguồn vốn vào thị trường tài chính.”
Trước sự dịch chuyển của các định chế tài chính trong khu vực, các nước Đông Nam Á cũng đang quyết liệt chạy đua mời gọi, để Việt Nam có thể chớp lấy cơ hội lớn thì chính sách cần có sự đột phá và có nhiều điểm vượt trội hơn so với khung pháp lý hiện hành. Nếu làm đề án có tính an toàn thì Việt Nam sẽ nguy cơ “tụt hậu”, khó cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành trung ương, Chính phủ và Quốc hội - Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.
Thùy Dân