Đảo tiền tiêu Lý Sơn đã được HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông qua chủ trương thu phí khách tham quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đặt ra là có nên thu ngay bây giờ hay không?
Khách sẽ "chùn chân" khi bị thu phí tham quan Lý Sơn?
Ngày 10.7, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện một đơn vị lữ hành tại TP.Đà Nẵng cho biết, đơn vị chuyên làm tour đưa khách ra đảo Lý Sơn và có dự định "đẩy" đảo này thành điểm tham quan chính trong tour của mình.
Mỗi năm, đơn vị này bắt đầu đưa du khách ra đảo tiền tiêu Lý Sơn từ tháng 2 (Âm lịch), với hơn 100 đoàn khách/năm, mỗi đoàn ít nhất là 10 người, đông nhất là 200 người.
Về thu phí tham quan đảo Lý Sơn, cụ thể 2 đảo thuộc địa bàn Lý Sơn, là đảo Lớn (70.000 đồng/người/lượt) và đảo Bé (30.000 đồng/người/lượt), vị đại diện công ty lữ hành này nói như vậy là chưa tương xứng với hạ tầng phục vụ du lịch ở đảo hiện giờ: "Lý Sơn chớm chớm phát triển, so với các điểm du lịch khác thì chưa có gì. Bây giờ thu phí tham quan đảo Lý Sơn, hơi hụt hẫng".
Đại diện công ty lữ hành này còn nói hạ tầng phục vụ du lịch Lý Sơn còn rất nhiều hạn chế; rác thải, ô nhiễm… gây rất nhiều khó chịu cho du khách. Tình trạng nhếch nhác này chưa xử lý triệt để, thì “thu tiền du khách là hơi vô lý”.
Trong khi đó, mỗi tour du lịch từ TP.Đà Nẵng vào, công ty thu 1,5 triệu đồng/người/ngày-đêm, lợi nhuận công ty chỉ có 5%; giờ bị thu phí, thì đơn vị kinh doanh không có lời, mà khách sẽ "chùn chân" ra đảo Lý Sơn tham quan.
|
Lý Sơn trước đây được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý.
Cư dân Việt đến khai khẩn làng mạc trên đảo vào khoảng cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17. Trong buổi đầu ấy, người Việt trong công cuộc khai phá lập làng đã gặp không ít khó khăn về thời tiết, khí hậu…
Lịch sử đảo Lý Sơn còn gắn liền với các khối cộng đồng cư dân khác đã sinh sống trên đảo từ hàng nghìn năm trước. Ba lớp cư dân Sa Huỳnh - Chăm pa - Việt đã gắn bó chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của đảo Lý Sơn. Họ đã bảo vệ chủ quyền hòn đảo và để lại nhiều di sản văn hóa vô cùng giá trị đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy.
Đảo Lý Sơn có vị trí chiến lược quan trọng trên vùng biển Việt Nam. Ngày 1.1.1993 huyện đảo Lý Sơn chính thức được thành lập theo Quyết định số 337/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
NGUỒN: QUANGNGAI.GOV.VN
Chưa nên thu, hay cần phải thu?
Anh Thúc Nghiêm (TP.Quy Nhơn, Bình Định) sáng 10.7 cho biết, vừa đi tham quan Lý Sơn. Tuy nhiên, đảo này cần đầu tư rồi mới nghĩ đến chuyện thu phí. Bởi đảo Lý Sơn bây giờ, hạ tầng đến các điểm du lịch quá xấu; chưa an toàn cho khách lên xuống, tàu; chưa kể các bãi tắm ở đảo Bé không có cứu hộ, chưa có hướng dẫn đến các điểm tham quan, cảnh quan, nơi để xe, bản đồ du lịch…
Khách đến đảo để mua dịch vụ du lịch, chứ không phải trả tiền để lên đảo, để đảo lấy tiền đầu tư, bảo tồn... Nên đầu tư bài bản rồi tính đến việc thu phí, chứ không nên chỉ nghĩ thuần túy là thu để đầu tư này kia.
Anh Thúc Nghiêm, du khách
|
Theo ý kiến một người dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), muốn thu phí thì phải làm khảo sát xem có bao nhiêu người từng quay lại Lý Sơn sau lần đầu đi ra đảo du lịch. Bởi thực tế rất ít du khách quay lại đảo… Việc “đòi” thu tiền du khách đang cho thấy tư duy "ăn xổi" trong câu chuyện phát triển du lịch ở Lý Sơn, hay nói cách khác là tận thu.
"Riêng tôi, đến lúc này, vẫn giữ quan điểm là chưa nên thu tiền du khách khi đi du lịch ở Lý Sơn. Chỉ thu tiền du khách, khi đã xây dựng được hệ thống cung ứng dịch vụ du lịch tốt. Còn hiện tại, du lịch Lý Sơn đang có gì ngoài những điểm tham quan đã có sẵn. Và đừng để người dân Lý Sơn bị điêu đứng khi khách du lịch quay lưng bởi những khoản thu phí tham quan”, người này nêu quan điểm.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc thu phí tham quan là hợp lý.
Chị Lưu Phương (TP.HCM) chia sẻ: “Thu phí là hợp lý, vì tiền ngân sách không thể đủ chi trả cho lực lượng bảo tồn và có mất phí thì du khách sẽ được phục vụ tốt hơn, ví dụ như sẽ được đầu tư nhà vệ sinh, nhà nghỉ chống nắng...
“Mình thì nghĩ khác, cần thu 20.000 - 50.000 đồng/khách để làm quỹ "dọn dẹp" những thứ bừa bãi mà khách để lại”, anh Nguyễn Hữu Giang nói.
Anh Bùi Thanh Sơn thì nêu ý kiến: “Không nên miễn phí tất cả, thu phí thì mới tăng dịch vụ tốt cho du khách. Đảo cách đất liền 15 hải lý, nên kinh phí cần nhiều hơn để đầu tư cho dân đảo nữa”.
Thông qua việc thu phí tham quan đảo Lý Sơn
Ngày 9.7, tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Quảng Ngãi, thừa ủy quyền của UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND H.Lý Sơn đã trình bày về việc đề nghị ban hành nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan trên địa bàn đảo tiền tiêu Lý Sơn.
Theo đó, đề nghị thu phí tham quan các danh thắng, di tích, bảo tàng trên đảo Lý Sơn: tại đảo Lớn (2 xã: xã An Hải và An Vĩnh) là 100.000 đồng/người/lượt; phí tham quan tại đảo Bé (xã An Bình) là 50.000 đồng/người/lượt, áp dụng cho cả người Việt Nam và nước ngoài.
Riêng trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng và người dân đảo Lý Sơn được miễn thu phí; với người khuyết tật nặng, sinh viên, học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì giảm 50% phí.
Đến sáng 10.7, tiếp theo chương trình nghị sự của kỳ họp, dù tranh luận nhiều liên quan đến việc thu phí tham quan trên đảo tiền tiêu Lý Sơn, nhưng cuối cùng các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua việc thu phí, có giảm mức thu so với ban đầu đề xuất.
Cụ thể, với đảo Lớn, thu 70.000 đồng/người/lượt; đảo Bé thu 30.000 đồng/người/lượt.
Đại biểu Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, trước nhiều khó khăn nguồn ngân sách không đủ đầu tư hạ tầng, vì vậy cần phải có sự đóng góp của khách tham quan khi đến với Lý Sơn.
Hiện, thời gian và phương pháp thu cụ thể (thu ngay khi đặt chân lên đảo Lý Sơn, hay thu từng điểm tham quan) chưa được ấn định.
Thanh niên/ Phạm Anh