Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận có sai phạm điển hình trong định giá doanh nghiệp, tăng vốn điều lệ… - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bà Lương Thị Nga - trưởng phòng 6 Thanh tra TP.HCM - cho hay quá trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần gồm nhiều bước.
Kết quả thanh tra cho thấy khả năng thất thoát tài sản nhà nước thường diễn ra tại các khâu thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp và xác định tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ.
Định giá thấp, giảm vốn góp
Theo bà Nga, về việc xác định giá trị doanh nghiệp có tình trạng kiểm kê thiếu, không kiểm kê tài sản cố định còn giá trị sử dụng, kiểm kê không đúng diện tích thực tế sử dụng mà căn cứ theo diện tích được giao ban đầu... làm giảm giá trị doanh nghiệp.
Ngoài ra, công tác định giá cũng có vấn đề như xác định tỉ lệ chất lượng còn lại của tài sản thấp hơn thực tế; áp dụng không đúng đơn giá xây dựng, vật kiến trúc, công trình; không hạch toán phần giá trị tài sản tăng thêm; đánh giá giá trị lợi thế vị trí địa lý khu đất chưa phù hợp giá trị thị trường.
Bên cạnh đó, có trường hợp doanh nghiệp hạch toán tăng nợ không đòi được dẫn đến giảm vốn nhà nước.
Bà Nga cũng chỉ ra tình trạng tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa và phần vốn nhà nước bán ra ngoài không phù hợp với đề án tái cơ cấu và phê duyệt phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp. Đồng thời chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục lựa chọn và phê duyệt tiêu chí nhà đầu tư chiến lược theo quy định.
Chọn nhà đầu tư chiến lược không đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho doanh nghiệp và chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Thiếu trách nhiệm khi cổ phần hóa
Trong khi công tác định giá doanh nghiệp có vấn đề, theo bà Nga: "Người đại diện quản lý doanh nghiệp, ban chỉ đạo cổ phần hóa thường thiếu thẩm tra mà căn cứ kết quả thẩm định giá của đơn vị tư vấn, không phát hiện thiếu sót gây thất thoát...".
Thêm vào đó, nhiều đơn vị thẩm định giá có vốn điều lệ chỉ vài tỉ đồng nhưng tham gia định giá tài sản có giá hàng trăm tỉ đồng.
Mặt khác, hiện nay chưa có quy định bắt buộc việc công ty thẩm định giá phải có bảo hiểm trách nhiệm vật chất đủ để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố, sai sót.
Đáng lưu ý, nhiều doanh nghiệp khi chuyển đổi đã không đánh giá lại phần vốn nhà nước đã đầu tư vào các dự án dở dang mà vẫn giữ nguyên giá trị sổ sách. Trong khi nhiều khu đất giá trị thị trường thực tế tại thời điểm cổ phần hóa đã tăng nhiều lần so với lúc bồi thường.
Ngoài ra cũng chưa có quy định về tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp mặc dù trên thực tế giá trị này rất lớn. Từ đó, Thanh tra TP đã đề xuất một số giải pháp nhằm giám sát chặt chẽ và làm tốt công tác cổ phần hóa trong thời gian tới.
Nhiều vụ thất thoát chưa được xử lý tương xứng
Khu đất 32ha của Công ty Tân Thuận bán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: QUANG ÐỊNH
Theo ông Nguyễn Long Tuyền - chánh Thanh tra TP.HCM, trong 17 vụ việc Thanh tra TP.HCM đã chuyển cơ quan điều tra, chỉ có 3 vụ khởi tố, có 6 vụ không khởi tố, một vụ việc tạm đình chỉ và có tới 6 vụ chưa nhận được kết quả xử lý.
Ngoài ra việc kiểm điểm tổ chức, cá nhân vi phạm cũng bất cập khi "kết luận thanh tra đã nêu rõ sai phạm nhưng khi kiểm điểm thì đối tượng né tránh, không nhận trách nhiệm. Khi chủ trì kiểm điểm, lãnh đạo Sở Nội vụ thường lúng túng.
Có những việc kết luận 10 nhưng khi kiểm điểm chỉ còn 4-5. Việc kiểm điểm một số nơi không đạt yêu cầu".
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đồng tình với ý kiến trên.
Ông Phong cũng chia sẻ thêm có những vụ việc khi ông nghe báo cáo về hình thức xử lý, ông rất ngạc nhiên vì khi chủ trì xem xét nội dung sai phạm từ kết luận thanh tra sai phạm rất nhiều, nhưng khi xem xét kỷ luật chỉ phê bình khiển trách, như vậy là không nghiêm.
Ông Phong nhấn mạnh: "Ở đây không đặt vấn đề phải xử lý nặng, nhưng sai phạm như thế nào thì hình thức xử lý phải tương xứng".
Theo tuoitre.vn/ÁI NHÂN - MAI HOA