Sau 3 phiên liên tục giảm giá, cổ phiếu VCS của Công ty CP Vicostone đã kịp “cầm máu” trong phiên 2/4 với mức giá được “ghim” tại mốc tham chiếu 63.300 đồng. Tuy mất hơn 50% giá trị so với 1 năm trước song cổ phiếu VCS đã hồi phục từ mức đáy 60.900 đồng ngày 2/1/2019.
Tại tài liệu dự kiến trình ĐHĐCD sắp tới, ông Hồ Xuân Năng – Chủ tịch HĐQT Vicostone cho biết, năm 2018, công ty này đạt tổng doanh thu 4.564,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 1.318,5 tỷ đồng và theo đó chỉ hoàn thành hơn 86% kế hoạch doanh thu và hơn 97% kế hoạch lợi nhuận năm 2018 mà ĐHĐCĐ giao phó.
Ông Hồ Xuân Năng được coi là linh hồn của Vicostone
Nguyên nhân dẫn đế tình trạng này được ông Năng cho hay, vụ kiện chống bán phá giá của một công ty sản xuất đá thạch anh nhân tạo của Mỹ đối với các sản phẩm của Trung Quốc dẫn đến việc Trung Quốc xuất hàng ồ ạt vào thị trường Mỹ để tránh bị áp thuế.
Việc lưu trữ rất lớn hàng Trung Quốc của các nhà cung cấp làm ảnh hưởng lớn tới doanh thu của Vicostone. Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 thể hiện rất rõ điều này: Tổng doanh thu của Vicostone giảm 3,67% so với cùng kỳ năm trước.
Từ tháng 10/2018 trở đi, Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm đá thạch anh nhân tạo Trung Quốc khiến sản lượng nhập của Trung Quốc vào thị trường Mỹ giảm xuống. Khi ấy doanh thu của Vicostone có cơ hội tăng lên, đặc biệt là từ tháng 12/2018. Tổng doanh thu của Vicostone 6 tháng cuối năm tăng trưởng 11,12% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cũng chịu áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế từ các công ty sản xuất đá nhân tạo gốc thạch anh; từ các sản phẩm thay thế đá tự nhiên khác; thậm chí cả từ thị trường đá tự nhiên toàn cầu.
Ngoài ra, Vicostone còn bị cạnh tranh về giá của các sản phẩm Trung Quốc trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, giai đoạn từ 2019-2021, Vicostone sẽ thực hiện tái cơ cấu mạnh và lên kế hoạch phát triển, tăng thị phần tại thị trường trong nước, không ngừng mở rộng thị trường quốc tế đặc biệt là thị trường châu Âu, châu Á.
Dự phóng tới năm 2023, tổng doanh thu của công ty này đạt 9.914 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.771 tỷ đồng.
Cổ phiếu VCS "bốc hơi" hơn nửa giá trị so với đầu năm 2018
Kết phiên giao dịch 2/4, các chỉ số đều đóng cửa dưới mức tham chiếu. Trong đó, VN-Index mất 2,72 điểm tương ứng 0,28% còn 985,81 điểm và HNX-Index mất 0,24 điểm tương ứng 0,22% còn 107,48 điểm.
Trên bình diện toàn thị trường, số mã tăng – giảm khá cân bằng với 326 mã tăng, 57 mã tăng trần với 310 mã giảm, 43 mã giảm sàn.
Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 236,01 triệu cổ phiếu tương ứng 4.934,41 tỷ đồng và trên HNX có 28,48 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 378,54 tỷ đồng.
Trong phiên này, BID và SAB là hai mã có tác động tiêu cực nhất lên VN-Index khi lần lượt lấy đi của chỉ số 0,73 và 0,72 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng gồm VCB, CTG, HDB, EIB mất giá cũng có ảnh hưởng bất lợi đến diễn biến chỉ số chung.
Theo VDSC, chiến thuật “kéo trụ” phiên hôm qua đã không thể giúp thị trường tiếp tục đi xa, bất chấp khối ngoại tiếp tục mua ròng. Cụ thể, khối ngoại gia tăng mức độ mua ròng, với giá trị lên tới 260 tỷ đồng trên HSX, tập trung vào MSN (107 tỷ đồng), VIC (66 tỷ đồng), VNM (35 tỷ đồng), VCB (23 tỷ đồng) và GAS (17 tỷ đồng)..
Dòng tiền nội dường như đang khá yếu và không có nhiều sự lựa chọn để giải ngân tại thời điểm này. Một số cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tăng điểm nhưng số lượng không nhiều.
Thanh khoản vẫn là điểm trừ. Theo đó, VDSC khuyến nghị, nhà đầu tư hạn chế giải ngân mới cho tới khi có những dấu hiệu tích cực hơn nữa.
Trong khi đó, BVSC dự báo, VN-Index có thể điều chỉnh về vùng hỗ trợ 980 điểm, trước khi được kỳ vọng sẽ cho phản ứng hồi phục trở lại trong phiên kế tiếp. Dù vậy, nhóm phân tích cho rằng, xu hướng chủ đạo của thị trường giai đoạn này nhiều khả năng sẽ vẫn theo hướng giằng co vớI các phiên tăng giảm đan xen. Các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VCB, VIC, VRE, GAS… sẽ tiếp tục tạo ra sự chi phối đến diễn biến thị trường. Dòng tiền dự kiến sẽ có sự dịch chuyển luân phiên giữa các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này.
Mặc dù dư địa hồi phục của thị trường có thể sẽ còn tiếp diễn nhưng khả năng tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này là tương đối khó khăn. Do đó, BVSC cho rằng, đối vớI các nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao cần tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn.
Theo Mai Chi/dantri.com.vn