Hà Nội, Việt Nam, ngày 15 tháng 12 năm 2022—Ít nhất 300 triệu USD vốn đầu tư tư nhân tại Việt Nam dự kiến sẽ được khơi thông nhờ quan hệ đối tác mới giữa IFC và Chính phủ Australia. Quan hệ đối tác này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục con đường tăng trưởng xanh và bao trùm, đồng thời giải quyết các thách thức do đại dịch COVID-19 đưa đến.
Chương trình Đối tác Phát triển Khu vực Tư nhân Việt Nam mới trị giá 15 triệu AUD (10 triệu USD) có mục tiêu tạo các cơ hội đầu tư tư nhân toàn diện và bền vững thông qua thúc đẩy phương thức kinh doanh minh bạch, có thể dự đoán được, thuận tiện và chi phí thấp hơn cho cả phụ nữ và nam giới ở Việt Nam. Cải cách pháp lý và chính sách, thúc đẩy các thực tiễn kinh doanh bao trùm và bền vững, tăng cường hoạt động ngân hàng phục vụ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và các giải pháp thân thiện với khí hậu sẽ là những lĩnh vực ưu tiên của chương trình này. Sáu dự án đầu tiên trị giá 5,7 triệu AUD (3,8 triệu USD) đã được phê duyệt để triển khai.
“Mối quan hệ đối tác giữa Australia và IFC là sự kết hợp một cách tự nhiên xuất phát từ mong muốn chung và mạnh mẽ của chúng tôi được chứng kiến khu vực tư nhân của Việt Nam không ngừng phát triển. Khuyến khích tăng trưởng xanh, giàu khả năng thích ứng và bao trùm là trọng tâm của quan hệ đối tác này,” Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Andrew Goledzinowski cho biết.
Trong năm năm tới, chương trình quan hệ đối tác IFC-Australia sẽ làm việc với các đối tác nhà nước và tư nhân của Việt Nam để khơi thông nguồn vốn tư nhân cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu ưu tiên về phát triển và khí hậu, đặc biệt là trong những lĩnh vực tăng trưởng then chốt như cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, sản xuất và du lịch.
Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: “Do đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu đã làm cạn kiệt nguồn lực công, khu vực tư nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi của đất nước sang mô hình tăng trưởng các-bon thấp với điều kiện có các chính sách và môi trường phù hợp. Chúng tôi rất vui mừng tăng cường mối quan hệ đối tác với Australia để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu kép đầy tham vọng là trở thành quốc gia có thu nhập cao và đạt được trạng thái trung hòa các-bon trong những năm tới.”
Nhóm Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam – một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu – cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP/năm, tương đương với 368 tỷ USD, tính theo giá trị hiện tại, từ nay đến năm 2040 để thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Một nửa số vốn này, tương đương 184 tỷ USD, được trông đợi sẽ đến từ khu vực tư nhân.
Về IFC
IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - là định chế phát triển toàn cầu lớn nhất, tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân tại các thị trường mới nổi. Chúng tôi hoạt động tại hơn 100 quốc gia, sử dụng nguồn vốn, chuyên môn và ảnh hưởng của mình để kiến tạo các thị trường và cơ hội tại các quốc gia đang phát triển. Trong năm tài khóa 2022, chúng tôi đã cam kết đầu tư kỷ lục $32,8 tỷ USD vào các doanh nghiệp tư nhân và định chế tài chính tại các quốc gia đang phát triển, tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân để chấm dứt tình trạng đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung trong bối cảnh các nền kinh tế đang đối phó với những tác động của các cuộc khủng hoảng chồng chéo trên phạm vi toàn cầu. Để tìm hiểu thêm thông tin, vui lòng truy cập www.ifc.org.
Cập nhật thêm tại:
www.ifc.org/eastasia
www.twitter.com/IFC_EAP
www.youtube.com/IFCvideocasts
www.ifc.org/SocialMediaIndex
https://www.linkedin.com/showcase/ifc-asiapacific/
Về DFAT
Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) là cơ quan của Chính phủ Australia thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích quốc tế của Australia nhằm hỗ trợ đảm bảo an ninh và thịnh vượng của đất nước. DFAT hợp tác cùng các đối tác và các quốc gia khác giải quyết các thách thức toàn cầu, tăng cường các cơ hội thương mại và đầu tư, bảo vệ các điều luật quốc tế, duy trì sự ổn định trong khu vực và hỗ trợ công dân Australia ở nước ngoài.
Cập nhật thêm tại:
www.facebook.com\AustraliaEmbassyVietnam
Thanh Xuân