Buổi sáng, vừa mới bật điện thoại, tôi nghe một giọng lớn tuổi tâm tình và xin nhận bảo trợ cho một cháu bé có cha mẹ mất vì dịch Covid-19. Bà nói: “Chương trình bảo trợ cho các cháu mồ côi do đại dịch rất ý nghĩa. Tôi xin tham gia đầu tiên…”. Bà là nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình.
Lan tỏa lòng nhân…
Nhưng trong buổi phỏng vấn hơn 40 phút của chúng tôi chiều 16.9, nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình (86 tuổi, là tác giả bài thơ Huế, tình yêu của tôi mà nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai phổ nhạc; hiện đang sống tại một chung cư thuộc P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM), không chỉ nói về mình, nói về nguyện vọng muốn dang rộng vòng tay cùng với cuộc đời nâng đỡ chở che cho các em nhỏ bất hạnh, không may vì mất đi cha mẹ. Bà còn nói rất nhiều điều về ân nghĩa ở đời, mà bà đã từng là chứng nhân. “Giữa lúc tình cảnh vô cùng đau thương, khốc liệt do dịch bệnh đang diễn ra, lời khởi xướng của Báo Thanh Niên sáng nay là một câu chuyện lay động đến tận tâm can mọi người. Giúp đỡ, nuôi nấng các cháu mồ côi do gặp phải số phận trớ trêu bất hạnh là một nghĩa cử vô cùng lớn lao của đồng bào. Vì vậy, tôi xin tham gia bảo trợ cho một cháu, là bé gái có thể tuổi từ 14 - 16”.
Sau cuộc gọi gửi gắm sự tin cậy của nhà thơ Đỗ Thị Thanh Bình với chương trình của báo, suốt cả ngày hôm qua, đã có hàng chục cuộc điện thoại và thư điện tử gửi đến chương trình, với tâm niệm làm được điều gì đó cho các cháu. Một làn sóng yêu thương vô cùng cảm động qua tờ báo, đang hướng vọng lan tỏa đến nhiều địa bàn của TP.HCM, mà nơi đó các cháu bé mồ côi đang phải chịu một khoảng trống tình cảm quá lớn, do mất đi người thân.
Ông Lê Thành Công, chủ phòng khám Vĩnh Đức có hơn 50 y, bác sĩ và nhân viên y tế ở Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết: “Chúng tôi đã hội ý ngay sau khi đọc được lời kêu gọi từ quý báo. Và đã quyết định nhận bảo trợ từ 2 - 3 cháu độ tuổi từ 6 - 8, với hình thức chăm lo, nuôi nấng và lo cho các cháu học tập cho đến tuổi trưởng thành. Chúng tôi cho rằng nếu các cháu là anh chị em trong một gia đình, với tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau là tốt nhất. Và tôi tin sẽ làm được điều này”.
Tiếp nối mạch ngầm nhân ái ấy là anh Lê Trọng Ngọc (ở Q.7) ngỏ ý sẽ bảo trợ 2 cháu cho đến khi khôn lớn; là anh Nguyễn Chí Trung (ở P.Thảo Điền, Q.2) nhờ báo làm cầu nối để nhận đỡ đầu cho 1 cháu gái từ 8 - 12 tuổi bằng hình thức dưỡng nuôi chăm sóc như con cái trong nhà cho đến lúc trưởng thành; là anh Đoàn Quang Long quê H.Triệu Phong (Quảng Trị) vào sống từ lâu ở P.Linh Chiểu (TP.Thủ Đức) nhận bảo trợ cho 2 cháu; là thầy giáo Nguyễn Minh Hưng, một giảng viên đại học trẻ, gọi điện đến với giọng xúc động nói rằng “xin được bảo trợ bằng hình thức chu cấp kinh phí hằng tháng cho 1 cháu”…
|
… và lời tâm nguyện tự đáy lòng!
Có rất nhiều bạn trẻ tham gia các hội nhóm thiện nguyện đã liên lạc với chương trình để trao đổi thông tin, bàn bạc và đưa ra những đề nghị khiến chúng tôi vô cùng cảm kích. Một bạn nữ vốn đã tham gia các chương trình trước đây, gọi điện bày tỏ hưởng ứng chương trình bảo trợ các cháu mồ côi do đại dịch Covid-19 với sự thành tâm đặc biệt. Cô nói: “Nhóm của em có hơn 100 thành viên, sẽ bàn bạc để cùng chung tay giúp đỡ thêm cho mấy cháu. Với kinh nghiệm hoạt động nhiều năm, tin rằng sẽ đồng hành với báo để chu cấp được hằng tháng cho nhiều trường hợp bất hạnh”. Từ Biên Hòa (Đồng Nai), có chị Nguyễn Thị Thanh Tân hiện đang ngụ ở P.Tân Mai; từ P.Phú Thủy (TP.Phan Thiết, Bình Thuận) có anh Lê Văn Thanh cũng quan tâm tìm hiểu chương trình.
Đặc biệt một nữ đồng nghiệp vốn công tác ở Báo Thanh Niên đã nghỉ hưu, cũng liên lạc ngỏ ý bảo trợ cho một bé gái từ 8 - 10 tuổi…
Với một chương trình có ý nghĩa nhân văn, và có thể sẽ thực hiện lâu dài theo độ tuổi của các cháu, chắc chắn sẽ có rất nhiều điều phải lo nghĩ đến, nhưng chúng tôi cảm thấy vô cùng ấm áp bởi sự tin tưởng của nhiều bạn đọc gần xa, và tin rằng nếu cùng nhau, thì không có gì là không thể. Xin mượn lời của anh Nguyễn Chí Trung, hiện ở Q.2, trong cuộc nói chuyện qua điện thoại, đã bày tỏ tấm chân tình: “Điều rất quan trọng là dành tình thương cho những em bé ấy, xem các cháu như con mình. Nếu cần thiết, tôi xin mời quý báo đến tư gia để khảo sát trước khi làm nhịp cầu nối để chúng tôi đồng hành với chương trình, để có thể cùng nhau thực hiện một cách hiệu quả việc chăm lo cho các cháu không may gặp phải tình cảnh bất hạnh”.
Cũng trong sáng 16.9, khi Thanh Niên Online khởi đăng loạt bài về những trường hợp các em bị mất đi người thân, cụ thể là bài 4 chị em trong 10 ngày đã không còn cha mẹ của tác giả Vũ Phượng, rất nhiều bạn đọc đã gọi điện thoại đến thăm hỏi tình hình để trợ giúp và có hình thức bảo trợ. Đại diện Câu lạc bộ bóng đá Sài Gòn đã chuyển ngay vào tài khoản của chương trình 30 triệu đồng để hỗ trợ trước mắt cho các em.
Ngoài ra, nhiều bạn đọc cho biết sẽ có hình thức đồng hành, giúp các em vượt qua nỗi mất mát quá lớn này.
Quý bạn đọc và nhà hảo tâm hưởng ứng chương trình có thể tham gia bằng một trong hai cách sau đây:
1. Quý nhà hảo tâm có nhã ý chung tay cùng chương trình này sẽ gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 về email: baotrotremocoi@thanhnien.vn hoặc liên hệ số điện thoại: 0933044866 (gặp nhà báo Trần Thanh Bình, Ban Công tác bạn đọc). Trên cơ sở khảo sát tìm hiểu và thiết lập hồ sơ từng em mồ côi do đại dịch Covid-19 có hoàn cảnh sống khó khăn, đôi bên sẽ cùng tham gia ký bản thỏa thuận bảo trợ và lên phương án giúp đỡ cụ thể cho từng hoàn cảnh với mức bảo trợ theo từng giai đoạn.
2. Quý nhà hảo tâm có nhã ý tham gia việc bảo trợ các em theo hình thức trực tiếp chuyển tiền mặt đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19.
Báo Thanh Niên sẽ tính toán điều phối số tiền này cho chương trình một cách công tâm, hợp lý, hiệu quả nhất và sẽ cập nhật, công bố đầy đủ trên các ấn phẩm của Thanh Niên.
Thanh niên/ Trần Thanh Bình & Bùi Chiến