Hội nghị không chỉ tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng mà quan trọng là rút ra bài học gì và cải tiến thêm gì trong thời gian sắp tới để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng “không ngừng, không nghỉ”...
Nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm qua 30.6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”.
Ngày 30.6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc cùng chủ trì hội nghị.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 30.6 NHẬT BẮC |
Xu thế không thể đảo ngược
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh hội nghị không chỉ tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng mà quan trọng là rút ra bài học gì và cải tiến thêm gì trong thời gian sắp tới để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng “không ngừng, không nghỉ”, làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, làm trong sạch đội ngũ. “Đây là yếu tố quyết định tất cả mọi công việc khác”, Tổng bí thư nói.
Nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng trong 10 năm qua, Tổng bí thư khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo Tổng bí thư, các nội dung, phạm vi hoạt động phòng, chống tham nhũng từng bước được mở rộng.
Trước đây chỉ nói “chống tham nhũng, lãng phí”, điều đó không sai. Nhưng dẫu sao lãng phí cũng chỉ là một việc cụ thể, còn tiêu cực có nội dung và phạm vi rộng hơn, căn cốt hơn, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc, cái nguy hiểm nhất, dẫn đến tham nhũng, hư hỏng. Không chỉ làm mất tiền, mất của, mà còn mất người, thậm chí mất cả chế độ.
“Trước đây chỉ nói “chống tham nhũng, lãng phí”, điều đó không sai. Nhưng dẫu sao lãng phí cũng chỉ là một việc cụ thể, còn tiêu cực có nội dung và phạm vi rộng hơn, căn cốt hơn, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc, cái nguy hiểm nhất, dẫn đến tham nhũng, hư hỏng. Không chỉ làm mất tiền, mất của, mà còn mất người, thậm chí mất cả chế độ”, Tổng bí thư nhấn mạnh và cho biết vừa qua, Ban Chỉ đạo đã mở rộng phạm vi, gồm cả tiêu cực.
Nguy cơ đe dọa sự tồn vong chế độ
Tổng kết lại, Tổng bí thư nêu rõ không phải như một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển đất nước. Ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ mọi luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”. “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Nhấn mạnh chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây, Tổng bí thư chỉ rõ công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại khi một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh.
Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
“Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”, Tổng bí thư lưu ý.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự hội nghị NHẬT BẮC |
Lãnh đạo phải biết giữ danh dự, biết xấu hổ
Về nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, Tổng bí thư nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. “Đây là nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng”, Tổng bí thư nói và cho rằng tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất.
Nhắc nhở cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo, phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực, Tổng bí thư cho rằng cần tránh tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”, bởi thượng bất chính thì hạ tắc loạn; cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!”.
Tổng bí thư cũng nhấn mạnh cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý KT-XH và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”. Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý KT-XH để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp. Khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
Công khai, minh bạch để kiểm soát quyền lực
Bên cạnh đó, Tổng bí thư lưu ý tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bởi vì 2 mặt này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Tổng bí thư cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Vụ Việt Á cho thấy một số trường hợp vẫn chưa biết sợ
Thực tiễn 10 năm qua, đấu tranh phòng, chống tham nhũng mặc dù rất đồng bộ, quyết liệt, tuy nhiên, một số trường hợp chưa biết sợ. Tháng 4.2020, khi mới bắt đầu bùng phát đại dịch Covid-19, chúng ta đã xử lý vụ Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Lúc đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đã cân nhắc rất kỹ giữa phòng, chống dịch với xử lý cảnh tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua chúng ta vẫn phải xử lý vụ Việt Á. Điều này cho thấy sự chưa biết sợ của một nhóm đối tượng. Các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH nếu không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đều có nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ các cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn. Bên cạnh đó, cùng với việc tập trung xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực, cần làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật theo hướng đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc
Theo Tổng bí thư, cùng với “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế, thể chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị “tha hóa”.
Ngoài ra, Tổng bí thư lưu ý tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ T.Ư đến địa phương. Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch.
Theo Tổng bí thư, người làm công tác phòng, chống tham nhũng phải giữ mình trong sạch. “Đã nhúng chàm rồi thì không làm được đâu mà làm cũng chẳng ai nghe. Mình không trong sạch thì đi chống ai?”, Tổng bí thư nói.
Thanh niên/ Lê Hiệp