Sáng 5.2, tại Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Tham dự hội nghị có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và khoảng 800 đại biểu là lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo 14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Ngày 3.11.2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng và phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030 trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu…
Để triển khai Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 34 nhiệm vụ cụ thể, 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
Xây dựng trục kinh tế biển
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ tương đồng nên trên địa bàn có 11 khu kinh tế (KKT) đều trùng lắp, các ngành nghề thu hút đầu tư gần như trùng lắp. Thời gian qua, các KKT trong vùng cạnh tranh lẫn nhau dẫn đến chưa phát huy được các lợi thế.
"Trên cơ sở tuyến cao tốc Bắc - Nam và tuyến đường ven biển sắp hoàn thành, đề nghị T.Ư chỉ đạo quy hoạch xây dựng trục kinh tế biển thống nhất, có phân biệt các tiểu vùng. Trong đó, các KKT biển là nòng cốt, thúc đẩy hỗ trợ cạnh tranh cùng tiến. Chỉ đạo rà soát tổng thể các KKT, tiến hành điều chỉnh mục tiêu, quy mô, diện tích, quy hoạch phát triển các phân khu chức năng của từng KKT ven biển phù hợp với khả năng, bối cảnh, bảo đảm sự phối hợp lẫn nhau hoặc tạo ra sự khác biệt, giúp cho sự tập trung nguồn lực vào mục tiêu mũi nhọn của từng KKT, giảm bớt tình trạng cạnh tranh lẫn nhau", ông Hồ Quốc Dũng đề xuất.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định đến năm 2025 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, hoàn thành tuyến đường bộ ven biển. Đến năm 2030, hoàn thành các tuyến cao tốc trục ngang có lưu lượng lớn, kêu gọi đầu tư tuyến cao tốc từ Cam Lộ - Lao Bảo, Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y, Quy Nhơn - Pleiku; nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối Đông Tây, đặc biệt là kết nối với các cảng biển lớn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng để phát triển miền Trung cần có chính sách "an cư, lạc nghiệp". Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo ông, "con người là trung tâm trong mọi chiến lược phát triển" phải là quan điểm tiếp cận xuyên suốt. Ngư dân cần được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình phát triển bền vững "tam ngư: ngư nghiệp - ngư dân - ngư trường".
Còn theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên, cần xây dựng chính sách phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong đó, cần tập trung phát triển nền kinh tế biển xanh, mở cửa hướng ra biển, hình thành các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch biển, hàng hải, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học biển…
Đẩy mạnh hợp tác công - tư
Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch đề nghị giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là thời kỳ tích cực chuẩn bị các tiền đề về thể chế, hạ tầng, nhân lực để giai đoạn 2026 - 2035 là thời kỳ tăng trưởng mỗi năm 2 con số, đưa miền Trung thành vùng phát triển. Để thực hiện mục tiêu này, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là mở rộng thể chế phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, năng động, sáng tạo của địa phương. Còn các bộ, ngành T.Ư tập trung xây dựng quy hoạch, ban hành quy định minh bạch và tăng cường kiểm tra, giám sát.
TS Trần Du Lịch đề nghị tạo cơ chế thông thoáng và an toàn nhất để đẩy mạnh hợp tác công - tư trong huy động nguồn lực phát triển. Giao thông đến đâu sẽ tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới tới đó, đô thị hóa là con gà đẻ trứng vàng cho ngân sách. Chỉ riêng tuyến đường ven biển, nếu khai thác tốt quỹ đất, Bình Định và các địa phương sẽ đủ nguồn lực để làm các công trình hạ tầng chiến lược khác.
"Chúng ta nên chia 3 tiểu vùng, chứ vùng lớn từ Thanh Hóa đến Bình Thuận thì không phát triển được. Trong đó, vùng giữa là phải gắn với Tây nguyên, từ Quảng Nam đến Bình Định, Phú Yên phải gắn với Gia Lai, Kon Tum, còn các tỉnh phía nam thì gắn với Đắk Lắk. Mô hình này sẽ liên kết, tạo thế để phát triển. Đề nghị Thủ tướng sớm ban hành cơ quan hội tiểu vùng và cơ chế hoạt động để có thể liên kết phát triển", TS Trần Du Lịch nói.
Thúc đẩy phát triển kinh tế biển
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có nội lực, bao gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử rất lớn. Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm đến đầu tư phát triển vùng. Thủ tướng kêu gọi các tỉnh trong vùng phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, "đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình". Đồng thời, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực phát triển (gồm vốn nhà nước, vốn xã hội, vốn vay), đẩy mạnh hợp tác công - tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và huy động nguồn lực nhiều chiều, nhiều hướng, từ các nguồn phân tán, nhưng phân bổ và sử dụng nguồn lực phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và 14 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ. Cùng với đó, tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng và làm tốt công tác quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững.
Thủ tướng đề nghị thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu). Cơ cấu lại ngành công nghiệp, quy hoạch hợp lý để phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, các tuyến quốc lộ kết nối với Tây nguyên. Phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH vùng, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành 3 tiểu vùng đô thị hóa với các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, gắn với các KKT, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, dịch vụ.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với cảng biển, đường sắt kết nối với Tây nguyên, trong đó có tuyến Kon Tum - Gia Lai - Bình Định, Lâm Đồng - Ninh Thuận; nâng cấp, nâng cao hiệu quả khai thác các cảng hàng không, cảng biển.
Thanh niên/ Hoàng Trọng & Thanh Quân