Khu kinh tế ven biển Quảng Yên sở hữu nhiều yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp sản xuất, hậu cần. Khu vực này hội tụ nhiều lợi thế nổi trội, phù hợp với hoạt động thương mại liên vùng. Với nhiều chính sách hỗ trợ của chính quyền, địa phương sẽ phát huy tiềm năng phát triển bất động sản công nghiệp tại Quảng Yên nói riêng và Quảng Ninh nói chung.
Điểm sáng của công nghiệp Quảng Ninh
Vào giữa năm 2020, thị xã Quảng Yên đã được Chính phủ phê duyệt, quy hoạch trở thành khu kinh tế ven biển. Đây là cú hích lớn để địa phương này vươn lên trở thành nam châm phát triển kinh tế của Quảng Ninh nói riêng và miền Bắc nói chung.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng của Quảng Yên đã liên tục ghi nhận những mức tăng trưởng ấn tượng. Thống kê của tỉnh Quảng Ninh cho thấy, trong năm 2021, kinh tế thị xã Quảng Yên đã tăng khoảng 16,8% so với kế hoạch đề ra và cao hơn 36,2% so với năm 2020.
Nhờ những chính sách hỗ trợ hấp dẫn, thị xã Quảng Yên đã biến thành một điểm đến đầu tư dành cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong năm 2021, địa phương này nhận được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, với bảy dự án được cấp giấy chứng nhận. Trong đó, công ty Jinko Solar (Hồng Kông) đã rót vốn gần 900 triệu USD. Đây là khoản tổng vốn FDI cao nhất mà tỉnh Quảng Ninh nhận được từ trước đến nay. Theo đó, tập đoàn sẽ xây dựng hai nhà máy cùng nằm trong một chuỗi dây chuyền sản xuất các tế bào quang điện.
Nhờ vào những ưu thế vượt trội của địa phương và chính sách ưu đãi thuế, khu kinh tế ven biển Quảng Yên đã thu hút khoản đầu tư quy mô lớn của công ty Deep C. Đây là một đơn vị phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu đến từ Bỉ, cung cấp cho doanh nghiệp nhiều lựa chọn, bao gồm đất công nghiệp và nhà xưởng, nhà kho xây sẵn hoặc xây theo yêu cầu. Tính đến hiện tại, Deep C đã đầu tư tổng cộng hai khu công nghiệp (KCN) tại Quảng Yên, bao gồm KCN Nam Tiền Phong và KCN Bắc Tiền Phong, với tổng diện tích lên đến 1680ha.
Đầu năm 2022, công ty Phát triển Công nghiệp BW đã chính thức công bố dự án mới tại KCN Bắc Tiền Phong, nằm trong KCN Deep C tại Quảng Yên. Theo đó, công ty BW sẽ xây dựng khu nhà xưởng xây sẵn với tổng quy mô lên đến 74.000m2. Nguồn cung bất động sản công nghiệp chất lượng cao từ đó sẽ được bổ sung, đáp ứng nhu cầu ngày một lớn mạnh của doanh nghiệp.
Nhận định về xu hướng đầu tư vào khu kinh tế ven biển Quảng Yên, ông Lê Huy Đông, Quản lý Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp, Savills Hà Nội, chia sẻ: “Trong bối cảnh các khu vực xung quanh Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đang hạn chế về quỹ đất, Quảng Yên đang trở thành điểm sáng bất động sản công nghiệp với nguồn cung tương đối dồi dào và mức giá hợp lý. Với năm KCN đang được triển khai bởi các nhà phát triển uy tín, các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn chất lượng tốt.”
Lợi thế dành cho doanh nghiệp sản xuất, hậu cần
Trong thời gian qua, Quảng Yên đã thu hút các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất, chế tạo và hậu cần. Điều này là nhờ những lợi thế sẵn có của địa phương, cùng những chính sách kinh tế, cơ sở hạ tầng và đa dạng dịch vụ thuận lợi cho hoạt động xuất-nhập khẩu.
Khu kinh tế Quảng Yên sở hữu vị trí địa lý mang tính chiến lược khi nằm trong tam giác phát triển mạnh về kinh tế miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Với đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng (dài 24,6km), Hà Nội – Hải Phòng (dài 105,5km) và cầu Bạch Đằng giữa Quảng Yên – Hải Phòng, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng kết nối với các tỉnh thành xung quanh. Ngoài ra, hoạt động giao thương và vận chuyển cũng thuận tiện di chuyển đến hai sân bay lân cận là Vân Đồn (Quảng Ninh) và sân bay Cát Bi (Hải Phòng).
Bên cạnh đường bộ và đường hàng không, thị xã Quảng Yên cũng sở hữu ưu thế về đường thủy nhờ có nhiều cửa sông, biển, trong đó bao gồm một số lạch sâu và mặt bằng không gian rộng. Các chuyên gia đánh giá đây là khu vực tương đối kín gió, có tiềm năng lớn xây dựng cảng nước sâu để tiếp nhận tàu cỡ lớn, kết hợp phát triển KCN và khu kinh tế tổng hợp.
Với mạng lưới giao thông được đầu tư đồng bộ, Quảng Yên đang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa lý tưởng tại miền Bắc. Bên cạnh đó, địa thế của khu vực phù hợp với việc xây dựng cảng bến bãi, kho hàng, KCN, hoạt động dịch vụ cảng, logistics.
Hiện tại, Quảng Yên đang sở hữu dịch vụ hậu cần cảng biển đa dạng và toàn diện. Trong đó, khu vực Đầm Nhà Mạc sẽ được quy hoạch trở thành khu dịch vụ hậu cần cảng biển, công nghiệp và đô thị với diện tích gần 7.000ha. Những dịch vụ này bao gồm dịch vụ vận tải, xếp dỡ hàng hoá, dịch vụ phân phối và các dịch vụ logistics giá trị gia tăng. Trong thời gian tới, chiến lược phát triển kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh ưu tiên phát triển khu dịch vụ hậu cần sau cảng và logistics tại Quảng Yên với quy mô 3.000 – 5.000ha, từng bước hoàn thiện các tiện ích sẵn có và nâng tầm lợi thế cạnh tranh của khu kinh tế.
Đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo hay hậu cần, việc tìm kiếm địa điểm gần cảng biển, cảng hàng không và các tuyến cao tốc là điều quan trọng. Theo ông Đông, các đơn vị sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển khi đặt nhà máy, kho xưởng tại khu kinh tế ven biển Quảng Yên. Khả năng tiếp cận thị trường nội địa và quốc tế cũng hỗ trợ cho hoạt động xuất-nhập khẩu.
Đi kèm với chính sách để phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, chính quyền Quảng Ninh cũng đưa ra hoạch định để phát triển kinh tế-xã hội một cách đồng bộ. Bên cạnh những dự án nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thị xã Quảng Yên cũng có chủ trương xây dựng các khu nhà công nhân để kịp thời đáp ứng nhu cầu định cư ngày một gia tăng trong khu vực. Các khu nhà ở cao tầng với đầy đủ tiện ích dịch vụ sẽ góp phần mang nguồn lao động chất lượng và chuyên gia quốc tế về địa phương.
Hiện tại, thị xã Quảng Yên đang nằm trong giai đoạn hai của lộ trình phát triển. Trong khi giai đoạn I (từ năm 2020 - 2021) tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản cho dự án trong khu kinh tế, giai đoạn II chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và các khu chức năng của khu kinh tế. Giai đoạn này được triển khai từ năm 2021 đến 2025.
Thùy Dân