Hà Nội, Việt Nam, ngày 7 tháng 3 năm 2023—Trong khi nữ giới chiếm tới 60% số lao động làm việc tại những vị trí cấp thấp tại các ngân hàng Việt Nam, thì chỉ chưa tới một phần ba các vị trí quản lý cấp cao và hàng đầu tại đây do nữ giới đảm nhiệm, một nghiên cứu mới của IFC hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết.
Nghiên cứu có tiêu đề Lưu ý khoảng cách giới: Thúc đẩy nữ giới tham gia các vị trí lãnh đạo ngành ngân hàng Việt Nam cho thấy đã có sự công nhận tích cực về giá trị của bình đẳng giới trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là sự đa dạng về giới ở những vị trí cấp cao có thể giúp các ngân hàng thu hút và giữ chân nhân tài như thế nào, góp phần nhân rộng nhanh chóng số lượng nữ quản lý tài năng, thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đã không biết cách hoặc chưa nỗ lực để xây dựng một lực lượng lao động và đội ngũ lãnh đạo cân bằng giới hơn. Nữ giới cho biết ít được tiếp cận đến tất cả các hình thức đào tạo và cơ hội phát triển nghề nghiệp, với bằng chứng rõ ràng là họ phải đối mặt với định kiến vô thức về trách nhiệm sinh con và chăm sóc con cái.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: “Thúc đẩy bình đẳng giới và gia tăng sự hiện diện của nữ giới tại các vị trí lãnh đạo trong ngành ngân hàng luôn được Ngân hàng Nhà nước quan tâm. Báo cáo này là một trong những thành quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước và IFC, với mong muốn mang đến cho độc giả một bức tranh tổng thể về vị trí của nữ giới và nam giới trong ngành ngân hàng Việt Nam, những thách thức mà nữ giới gặp phải cũng như các ý tưởng, giải pháp để thu hút nhiều nữ giới hơn vào các vị trí lãnh đạo và quản lý.”
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong khi 80% số người lao động cảm thấy an toàn tại nơi làm việc, gần 1/5 đã chứng kiến hành vi bắt nạt và 1/10 đã từng bị bắt nạt, với câu trả lời tương tự giữa nam và nữ. Dựa trên khảo sát gần 40.000 nhân viên của các ngân hàng cũng như phỏng vấn trực tiếp các nhà quản lý ngân hàng cấp cao và cấp trung, nghiên cứu cũng cho thấy nữ giới mong muốn được hỗ trợ tốt hơn để cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
“Thiếu đa dạng về giới trong các ban lãnh đạo ngành ngân hàng là một vấn đề dai dẳng trên toàn cầu. Mặc dù Việt Nam đang làm tốt hơn một số quốc gia khác về tỷ lệ nữ giới nắm giữ các vị trí quản lý tại ngân hàng, báo cáo này cho thấy rõ ràng cần phải làm nhiều hơn nữa để biến các cam kết thành những hành động thiết thực nhằm tạo điều kiện cho nữ giới hướng đến các vị trí lãnh đạo. Chúng tôi tin rằng một ban lãnh đạo cân bằng về giới sẽ mang lại kết quả kinh doanh tốt hơn cùng nhiều lợi ích khác cho nhân viên, nhà đầu tư và hoạt động của ngân hàng,” ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào cho biết.
Là bước đầu tiên trong nỗ lực giúp giải quyết khoảng cách giới trong lĩnh vực ngân hàng, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, IFC đang triển khai một sáng kiến đặc biệt để các ngân hàng Việt Nam học hỏi từ những bài học thành công trên toàn cầu, với trọng tâm là phát triển nhân tài, lập kế hoạch kế nhiệm và tạo ra những nơi làm việc linh hoạt và cân bằng giới hơn.
Về IFC
IFC—thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới—là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các thị trường mới nổi. Chúng tôi làm việc tại hơn 100 quốc gia, sử dụng vốn, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra thị trường và cơ hội tại các quốc gia đang phát triển. Trong năm tài chính 2022, IFC đã cam kết đầu tư kỷ lục lên đến 32,8 tỷ USD cho các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức tài chính ở những quốc gia đang phát triển, tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân để chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung khi các nền kinh tế phải đối mặt với tác động của các cuộc khủng hoảng kép toàn cầu. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.ifc.org.
Thùy Dân