Sao mà ngọt thế nhỉ, ngọt lịm cả người, cái ngọt thanh tao của điều non hòa lẫn ngọt man mác chem chép. Cắn miếng điều bùi tan tơi nâng thêm dòn dai sần sật beo béo của chem chép, úi mèn ui, ai mà cầm lòng đậu.
Đồng Nai đất đỏ tươi rói rợp trời thướt tha mái tóc xanh mượt mà của giai nhân điều. Điều phải được bầu làm hoa hậu xứ bụi hồng mù trời này mới đúng.
Thường thiên hạ chỉ quý hột điều, quá lắm nhấm nháp chút chút trái điều cho đỡ khát khi buồn miệng.
Thật ra phần khiêm tốn bị hất hủi vứt đi kia mới là nguồn cội bao món ăn hấp dẫn mê ly chẳng nơi nào có.
Qua tết, suốt tháng ba cho tới tháng sáu điều trổ bông kín cành, đơm trái lủng lẳng mọng nước. Khi ấy cũng vô mùa chem chép.
Chem chép mình dài hơn nghêu, vỏ láng lẫy xanh rêu mướt vốn nổi danh khắp năm châu rồi, nhưng Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai) từ lâu chính là cái nôi chem chép.
Ghe chài sớm bốn năm giờ đã rộn ràng thúng mủng đầy vung chem chép mới bắt còn ướt nước sông, bùn sình lấm lem.
Mấy bà mấy chị xúm nhau lựa lẹ làng không kịp trả giá, mà giá cả gì nữa hàng tươi rói như vậy chậm chân hết sạch.
Về nhà đầu tiên ngâm ngay vô ang nước vo gạo, rồi mới ra vườn hái điều. Điều nấu chem chép phải đúng điệu non tơ mới đậu cành cỡ bằng ngón tay út, láng lẫy màu đọt chuối, còn ngậm mủ bẻ nhẹ mủ ứa đầy tay y như sữa.
Nhớn hơn tý thôi chẳng đặng mà nhỏ quá thì chưa có cơm cái đủ bề.
Lạ nhất điều non hái vô phải củi canh tưng bừng ngay, để lâu chừng hai ba tiếng lạt nhách lạt nhơ.
Đun rơm rạ lửa phừng phừng, bắc nồi nước sôi ùng ục cho chem chép vô trước rồi mới rước mấy bé điều non tụ hội.
Thấy cả chem chép lẫn điều nổi lên khiêu vũ xoay vòng vòng trên mặt nước là nhắc nồi xuống liền nêm xí nước mắm cốt, rắc ít tiêu sọ, rải nhúm hành hoa, ngò rí, rau răm.
Đơn giản vậy thôi mà bát canh vừa bưng ra bàn, ôi chao mùi thơm nực nồng, thoang thoảng hương điều, nhè nhẹ như hơi đồng nội tràn ngập cả không gian.
Nhìn thấy thèm liền, húp muỗng nhỏ nóng hôi hổi lập tức bao vị ngon lành ập trào dâng khắp tứ chi.
Sao mà ngọt thế nhỉ, ngọt lịm cả người, cái ngọt thanh tao của điều non hòa lẫn ngọt man mát chem chép.
Cắn miếng điều bùi tan tơi nâng thêm dòn dai sần sật beo béo của chem chép, úi mèn ui, ai mà cầm lòng đậu.
Húp lia húp lịa phỏng lưởi phỏng miệng vẫn thấy ngon, hết sạch sành sành nồi ơ còn luyến tiếc chưa đã thèm.
Chem chép nấu điều non phải ăn với bún mới ngon cơ. Bún quê cọng to đùng lành trớt lành trơ, lót tộ vài chú giá trắng bong bóc, muốn xí xọn thì lanh chanh đọt xoài, rau chóc xôm xốp, chuối bào lơ thơ mỏng mảnh.
Món quê dân dã vậy chớ chảnh chẹ lắm. Chén mắm ruốc, tương hột, tương ớt du côn nhào vô là hông được à nha.
Chỉ duy nước mắm cốt le te dăm trái ớt cứt chuột cay xé lưỡi mới mong đình đám cùng nàng chem chép bé điều non.
Đôi nhà bày đặt thay điều non bằng điều già quả mọng đỏ vàng bắt mê, ấy vậy mà vừa nhập cuộc chưa đầy mấy giây xẹp lép, vô mùi vô vị liền.
Âu món quái chiêu phải đúng thứ độc chiêu, điều non chát nhằn, đắng ngét nhưng qua nước sôi lửa bỏng lại thành bùi ngọt không nát không xìu ngộ hết chỗ nói.
Gặp bữa vắng chem chép, thay bằng tép bạc, tôm càng, cá út, cá lóc, sang hơn băm miếng thịt heo, thịt bò, xé gà giò lủ khủ bao bọc bé điều non.
Cũng ngọt ngào thơm tho nhưng thua xa lúc điều non sánh đôi vừa lứa cùng mỹ nhân chem chép. Nước không trong không thanh, giống như Thanh Nga hát thiếu Thanh Sang, Lệ Thủy thiếu Minh Vương câu hò sàng xê kém phần mùi mẫn.
Còn nàng chem chép thôi khỏi nói thiên hạ rước mời tấp nấp nào là nướng mỡ hành, phết phô mai, cháo chem chép, canh lá giang, canh bầu non… tùm lum tá lả.
Nhưng có lẽ chỉ ai đã nếm qua chem chép nấu điều non mới nghiền mới thấm thía vị quê mùa chơn chất không sơn hào hải vị nào qua mặt nổi, dùng một lần thôi nhớ suốt đời.
Muốn ăn chem chép nấu điều non phải tới vườn điều, vì điều non lìa cành mà không được nhảy vô tô canh ngay sẽ chát ngắt.
Âu nhược điểm của thứ kén bạn chọn mâm này sẽ lại là ưu thế quyến rũ khách phương xa tìm tới vương quốc điều bao la bát ngát, biết đâu ngày nào đó Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai) sẽ được lừng lẫy cùng tên "xứ chem chép nấu điều non".
Tuổi Trẻ/DƯƠNG VĂN MINH LỘC