Xưa nay, ở quê nhà nào cũng có một bụi riềng làm thứ gia vị, nhất là cho vào món thịt giả cầy, nhựa mận, nhưng trồng thành hàng hóa, cả làng cùng trồng thì chỉ có ở nơi này. Đó là thôn Cự Phú, xã Công Liêm, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Gần như cả làng, cả thôn nhà nào cùng trồng riềng với diện tích lên tới gần 30ha, mỗi ha riềng cho thu nhập lên tới 300 triệu đồng.
Ở thôn Cự Phú bà con nông dân gọi cây riềng là cây giảm nghèo, làm giàu, bởi nơi này từ trước tới nay chưa một cây trồng nào vượt qua cây riềng về giá trị kinh tế.
Phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN theo chân anh Lê Văn Tiếp, Phó giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công Liêm được tận mắt thấy nhà nhà trồng riềng, nhà nào cũng tận dụng đất trống để trồng riềng, cả thôn Cự Phú là một màu xanh của cây riềng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Tiếp cho biết, hiện tại thương lái đến tận nhà thu mua từ 6.000- 11.000 đồng/kg riềng. Ảnh Hữu Dụng
Anh Nguyễn Văn Trung (thôn Cự Phú, xã Công Liêm, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) là người tiên phong đi tìm hiểu và đem giống riềng từ tỉnh Hòa Bình về đây trồng thử nghiệm. Ban đầu anh trồng một vài bụi quanh nhà, nhưng sau đó thấy giống riềng này phát triển tốt, màu đỏ, vị thơm hơn nhiều so với giống riềng địa phương. Anh nhận thấy loại riềng lạ này có giá trị cao mà lại phù hợp với vùng đất đỏ bazan ở địa phương, nên anh quyết định định mở rộng dần diện tích.
Cầm trên tay bụi riềng to vừa thu hoạch, anh Trung hồ hởi khoe với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Giống riềng lạ ra củ màu đỏ này trồng phát triển rất nhanh, lá vượt lên cao hơn đầu người, sau khoảng thời gian từ 8 - 18 tháng là bắt đầu cho thu hoạch. Riềng này để lâu thì củ càng lớn, càng thơm, càng ngon chứ không bị hư như gừng. Hiện tại, gia đình tôi trồng hơn 4ha cây riềng, khi thu hoạch xong thương lái đến tận nhà thu mua từ 6.000 - 11.000 đồng/kg”.
Trước đây, cây sắn được xem là cứu tinh của người dân Cự Phú nhưng mấy năm nay, giá cả của sắn bấp bênh nên nhiều người chuyển sang trồng cây riềng. Ảnh Hữu Dụng
Theo tính toán của người dân Cự phú thì 1ha riềng đầu tư hết khoảng 100 triệu đồng. Sau một năm, riềng cho thu hoạch. Nếu đầu tư tốt, 1ha riềng đạt năng suất khoảng đạt 60 - 70 tấn/năm. Với giá riềng ổn định như hiện nay, mỗi ha riềng có thể đem về 300 triệu đồng/năm.
“Không hiểu sao riềng ra củ màu đỏ rất thích hợp trên đất đỏ bazan này, cứ như “cá gặp nước” vậy. Nhiều người cũng mang giống riềng nay đi nơi khác trồng nhưng hiệu quả, năng suất và chất lượng không bằng được như ở thôn Cự Phú này. Ở đây nhiều bụi riềng "khủng, khổng lồ" đào lên nặng 20 kg là chuyện bình thường. Không cần tốn nhiều công chăm sóc, riềng không chịu được ngập úng, chỉ cần vừa đủ lượng nước là phát triển tốt”, anh Trung tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, nhiều hộ trồng riềng khẳng định, loại đất đỏ bazan ở Cự Phú rất phù hợp với cây trồng này. Ảnh Hữu Dụng
Cũng như gia đình anh Trung, ông Nguyễn Văn Long (ở thôn Cự Phú, xã Công Liêm, huyện Nông Cống) cũng trồng 2 ha riềng cho biết “Trồng riềng không sợ lỗ, vì khi nào có người đặt hàng mình mới thu hoạch. Chỉ có cực khâu sơ chế, phải cắt tỉa rễ, rửa sạch củ mới giao cho người ta. Nhờ riềng không có giới hạn thời gian thu hoạch, để lâu không hư hao mà củ càng ngon nên cũng đỡ thất thoát. Với giá cả như hiện nay thì người trồng riềng sẽ có cuộc sống rất ổn định”.
Riềng trồng ở thôn Cự Phú có màu đỏ, vị thơm và cay hơn so với các nơi khác. Ảnh Hữu Dụng
Theo anh Lê Văn Tiếp, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp Công Liêm, thì riềng vốn được biết đến như một loại gia vị trong các món ăn, nhưng ít ai biết rằng, riềng còn có rất nhiều công dụng chữa bệnh như một vị thuốc được sử dụng rất nhiều trong y học.
"Mặc dù đã cố gắng liên hệ, nhưng vẫn chưa tìm được đầu mối cơ sở thu mua củ riềng, chủ yếu là phụ thuộc vào các thương lái ở các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên…vào tận nơi thu mua và bán quanh quẩn trong nội tỉnh để cung cấp cho các chợ làm gia vị, chủ yếu vẫn là làm gia vị cho món giả cầy, nhựa mận...", anh Tiếp nói với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN với vẻ còn băn khoăn, trăn trở.
Sau khi thu hoạch xong thân và lá riềng được phơi khô để rồi lại đưa vào che lấp, giữ ẩm cho vụ riềng sau. Ảnh Hữu Dụng
Trước đây, Cự Phú là thôn nghèo của xã Công Liêm. Nhưng vài năm lại đây, nhờ trồng riềng nên đời sống của người dân đã khấm khá hẳn lên. Cây riềng trước là cây giảm nghèo rồi mới tới là cây làm giàu ở thôn Cự Phú. Hiện toàn cả thôn Cự Phú đã trồng được gần 30 ha riềng, thu hút khoảng 100 hộ tham gia trồng. Nhờ cây riềng, bà con thôn Cự Phú có công ăn việc làm thường xuyên, thu nhập ngày càng cao.
Nếu riềng ở thôn Cự Phú để đủ 18 tháng mới thu hoạch thì một bụi đào lên nặng 20 kg là chuyện bình thường. Ảnh Hữu Dụng
Hiệu quả kinh tế của mô hình trồng cây riềng rất cao và những lợi ích mà riềng mang lại cho dân làng Cự Phú rất tốt. Trong quá trình trồng riềng, bà con không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học nên đất đai không bị thoái hoá, sản phẩm củ riềng theo hướng hữu cơ.
"Trăn trở của bà con thôn Cự Phú hiện nay vẫn là đầu ra.Thôn vẫn có thể mở rộng được diện tích trồng giềng, nhưng quan trọng là phải tìm thêm được đầu ra. Nếu tìm được cơ sở đứng ra thu mua hoặc liên kết với các tỉnh bạn để có đầu ra ổn định thì đây sẽ là một mô hình cho hiệu quả kinh tế lâu dài...", anh Lê Văn Tiếp bày tỏ thông qua phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.