Hà Nội, Việt Nam, ngày 17/8/2021 - Với mục tiêu tăng cường năng lực chống chịu của người dân, doanh nghiệp, và quốc gia, IFC đã đẩy mạnh đáng kể những nỗ lực ứng phó nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kép về biến đổi khí hậu và COVID-19 ở Đông Á và Thái Bình Dương trong năm tài chính vừa qua.
Bất chấp những thách thức chưa từng có của đại dịch trên toàn cầu, năm tài chính 2021 chứng kiến mức cam kết kỷ lục 3,8 tỷ USD của IFC tại khu vực này, bao gồm 2,8 tỷ USD tài trợ dài hạn từ nguồn vốn của IFC và 956 triệu USD huy động từ các nhà đầu tư bên ngoài. Ngoài ra, IFC đã tài trợ ngắn hạn lên tới 1,5 tỷ USD tại khu vực này để thúc đẩy dòng chảy thương mại.
IFC đã cam kết 1,9 tỷ đô la Mỹ cho các nỗ lực ứng phó với COVID-19 kể từ thời điểm đại dịch bắt đầu bùng nổ ở Đông Á- Thái Bình Dương. Giao dịch đầu tiên trong khuôn khổ Nền tảng Y tế Toàn cầu trị giá 4 tỷ đô la Mỹ của IFC được thực hiện tại khu vực để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung trang thiết bị y tế trầm trọng ở các nước đang phát triển. IFC cũng cam kết 3 tỷ đô la Mỹ để giúp các định chế tài chính trong khu vực tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Các MSME, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn của đại dịch, chiếm tỷ lệ đa số các doanh nghiệp trong khu vực và sử dụng nhiều lao động nhất.
26% số dự án, giá trị lên tới 744 triệu đô la Mỹ tài trợ dài hạn, hướng đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và rác thải nhựa đại dương. Trong khi Đông Á-Thái Bình Dương đóng góp 30% GDP toàn cầu và chiếm 30% dân số thế giới, khu vực này phát thải 60% lượng khí nhà kính trên toàn cầu và có nhiều nguồn phát thải rác thải nhựa đại dương lớn nhất.
Cùng với việc công bố kết quả hoạt động năm tài chính, IFC cũng công bố việc bổ nhiệm bà Kim-See Lim làm Giám đốc mới của khu vực Đông Á- Thái Bình Dương. Là công dân Malaysia, bà Lim sẽ lãnh đạo các hoạt động tư vấn và đầu tư trên 18 quốc gia và giám sát chiến lược của IFC trong khu vực.
“Trước tác động tàn phá của đại dịch COVID-19 trên toan cầu, IFC sẽ tiếp tục tập trung khai thác năng lực của khu vực tư nhân để thúc đẩy quá trình hồi phục xanh, bền vững và bao trùm ở Đông Á-Thái Bình Dương,” bà Lim cho biết. Cùng với Kế hoạch Hành động về Biến đổi Khí hậu mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới, một lộ trình thông minh về khí hậu sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu tạo việc làm và thịnh vượng chung trong khu vực. Tái thiết mạnh mẽ hơn là phương thức duy nhất để thúc đẩy phục hồi của khu vực sau khủng hoảng, đi kèm với việc ưu tiên năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, đẩy mạnh trái phiếu xanh và trái phiếu bảo vệ đại dương, và thành phố thông minh.”
Để đáp ứng nhu cầu cấp bách của khu vực trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, IFC đã thực hiện một loạt các giao dịch đáng chú ý trong năm tài chính vừa qua, bao gồm khoản đầu tư đầu tiên vào trái phiếu bảo vệ đại dương. Hơn nữa, IFC đóng vai trò tiên phong trong phát triển thị trường vốn để tài trợ cho bảo vệ đại dương, và hướng dẫn cho các doanh nghiệp có mục tiêu bảo vệ đại dương. IFC đã thu xếp khoản vay bảo vệ đại dương trị giá 300 triệu đô la Mỹ cho Indorama Ventures, nhà sản xuất nhựa PET lớn nhất thế giới, để hỗ trợ các dự án tái chế chai nhựa PET; khoản vay xanh lên đến 143 triệu đô la Mỹ cho Asset World Corporation, doanh nghiệp lớn nhất trong ngành khách sạn - nhà hàng của Thái Lan, để tài trợ các dự án xanh mới và giảm lượng phát thải các-bon trong các khách sạn hiện tại của doanh nghiệp; và gói tài trợ 57 triệu USD để hỗ trợ phát triển hai dự án điện gió với tổng công suất 54,2MW cho Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình tại Việt Nam.
“Bất chấp những thách thức do đại dịch gây ra, IFC tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khu vực tư nhân, huy động vốn dài hạn để xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp tài chính xanh, bảo vệ đại dương, tăng cường tài chính xã hội và bền vững, thu hút đầu tư xuyên biên giới, và thúc đẩy tăng trưởng theo định hướng đổi mới để đẩy nhanh phục hồi ở Đông Á-Thái Bình Dương,” ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch IFC phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho biết. “Với việc bà Kim-See Lim trở thành giám đốc khu vực mới, IFC đang tập trung hỗ trợ để đảm bảo khu vực có thể xây dựng năng lực chống chịu không chỉ đối với các tác động của những khó khăn hiện tại mà còn có khả năng ứng phó tại bất kỳ thời điểm thách thức nào phía trước.”
Bà Lim là chuyên gia đầu tư toàn cầu với 26 năm kinh nghiệm và đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong triển khai và quản lý các khoản đầu tư vốn và nợ trên khắp Châu Phi, Châu Á, Đông Âu và Châu Mỹ Latinh. Sự nghiệp toàn cầu của bà trong lĩnh vực tài chính phát triển đã đưa bà tới trên 30 quốc gia, bao gồm các thị trường cận biên như Belarus, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Dominica, Kenya, Mozambique, Myanmar, và Rwanda, và nhiều quốc gia khác.
Bà là người kế nhiệm ông Vivek Pathak, khi ông đảm nhiệm vai trò mới là Giám đốc Toàn cầu về Hoạt động Đầu tư Khí hậu tại Washington, DC.
Về IFC
IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Chúng tôi hoạt động tại trên 100 quốc gia, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình, để tạo ra thị trường và cơ hội phát triển ở các quốc gia đang phát triển. Trong năm tài chính 2020, tổng đầu tư của chúng tôi vào các doanh nghiệp tư nhân và định chế tài chính tại các nước đang phát triển đạt trên 22 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung. Để biết thêm thông tin chi tiết, xin truy cập www.ifc.org.
Cập nhật thêm tại
www.ifc.org/eastasia
www.twitter.com/IFC_EAP
www.youtube.com/IFCvideocasts
www.ifc.org/SocialMediaIndex
www.instagram.com\ifc_org
www.facebook.com/IFCeap
www.facebook.com/IFCwbg
Thùy Dân