Washington, D.C., 29/10/2020 - Các hoạt động ứng phó với đại dịch COVID-19 của IFC thời gian qua đã tập trung hướng tới những đối tượng dễ tổn thương nhất ở các nước đang phát triển. Trong khuôn khổ gói hỗ trợ tài chính nhanh 8 tỷ USD được Hội đồng Quản trị IFC phê duyệt tháng 3/2020, 4 tỷ USD đã được cam kết, trong đó gần một nửa sẽ để hỗ trợ người dân ở những quốc gia nghèo nhất và khu vực dễ bị tổn thương nhất, và phần còn lại để hỗ trợ cuộc chiến chống COVID-19 ở các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi khác.
“Việc hỗ trợ khu vực tư nhân có vai trò quan trọng nhằm giúp các nước đang phát triển đạt được sự phục hồi bao trùm, bền vững và giàu khả năng chống chịu, đồng thời ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng nghèo cùng cực hiện nay,” Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới David Malpass phát biểu. “Mục tiêu của chúng tôi khi triển khai gói hỗ trợ tài chính nhanh là cung cấp thanh khoản cần thiết cho các khách hàng doanh nghiệp và các định chế tài chính để cấp thêm vốn lưu động, giúp duy trì việc làm và trao đổi thương mại.”
Hồi tháng 3, Hội đồng Quản trị IFC đã phê duyệt khoản tài trợ 8 tỷ USD để hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Từ thời điểm đó, IFC, tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi, đã giải ngân toàn bộ 2 tỷ USD được phân bổ cho tài trợ thương mại trong khuôn khổ gói hỗ trợ tài chính nhanh. Hỗ trợ này đã giúp các định chế tài chính đang là khách hàng của IFC có thể duy trì thanh khoản của các doanh nghiệp phụ thuộc vào thương mại, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, vốn là nguồn tạo việc làm quan trọng.
“Gói hỗ trợ tài chính nhanh ứng phó COVID-19 của chúng tôi được thiết kế để cung cấp thanh khoản tức thời cho các khách hàng định chế tài chính và khu vực sản xuất để giúp duy trì việc làm và ngăn chặn những thiệt hại trong ngắn hạn,” bà Stephanie von Friedeburg, quyền Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Điều hành và Giám đốc Điều hành của IFC cho biết. “Thông qua hỗ trợ khu vực tư nhân, chúng tôi hy vọng có thể giúp tái kích thích tăng trưởng kinh tế về dài hạn, hướng tới một tương lai phát triển tốt hơn, bền vững hơn và giàu khả năng chống chịu hơn một khi đại dịch COVID-19 qua đi.”
IFC đã cam kết sẽ dành thêm 2 tỷ USD trong khuôn khổ gói hỗ trợ ứng phó COVID-19 để hỗ trợ tất cả các vùng mà IFC đang có mặt. Gói tài chính này được sử dụng cho nhiều mục đích, từ hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ y tế cho tới ngành du lịch đang bị tê liệt và giữ cho các doanh nghiệp có khả năng tồn tại tiếp tục hoạt động, nhờ đó bảo vệ được việc làm. Bên cạnh đó, IFC cũng huy động thêm 623 triệu USD từ các đối tác thuộc khu vực tư nhân để hỗ trợ các khách hàng của mình.
Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ Kinh tế Tư nhân (PSW) của Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA, một công cụ tài trợ do Nhóm Ngân hàng Thế giới phát triển để xúc tác cho đầu tư của khu vực tư nhân vào các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, đã cung cấp các bảo lãnh tổng trị giá 281 triệu USD để hỗ trợ hoạt động tài trợ thương mại và các khoản vay vốn lưu động dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở các quốc gia đủ điều kiện từ tháng ba năm nay.
Ứng phó của IFC nằm trong khuôn khổ nỗ lực chung của Nhóm Ngân hàng Thế giới nhằm hành động nhanh và rộng khắp để hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường ứng phó với đại dịch, củng cố giám sát dịch bệnh và cải thiện các can thiệp sức khỏe cộng đồng. Nhóm Ngân hàng Thế giới có đủ năng lực tài chính để triển khai tài trợ 160 tỷ USD trong 15 tháng tới, trong đó có 47 tỷ USD của IFC dành cho khu vực tư nhân.
Trong thời gian tới, IFC sẽ phối hợp với các đối tác để giúp tái cấu trúc và tái cấp vốn cho các doanh nghiệp có khả năng tồn tại và tạo tiền đề cho quá trình phục hồi bao trùm, bền vững và có khả năng chống chịu. Vào tháng 8, IFC cũng khai trương Chương trình Y tế Toàn cầu trị giá 4 tỷ USD để mở rộng cơ hội tiếp cận của các nước đang phát triển tới các nguồn cung cấp vật tư y tế như khẩu trang, máy thở, bộ xét nghiệm, và vắc xin COVID-19.
Dưới đây là một số ví dụ khác về các dự án mà IFC đã cam kết trong khuôn khổ gói hỗ trợ tài chính nhanh với trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:
- Tại Uganda, IFC mở rộng dịch vụ y tế tới hàng trăm nghìn bệnh nhân nội ngoại trú thông qua khoản cho vay 4 triệu USD cho Tập đoàn Y tế Quốc tế.
- Tại Nigeria, IFC hỗ trợ các DNNVV trong một số ngành đang gặp khó khăn về vốn lưu động hoặc tài trợ thương mại thông qua khoản cho vay với tổng trị giá 200 triệu USD cho các ngân hàng FCMB, Access, và Zenith.
- Tại Bangladesh, IFC hỗ trợ Công ty TNHH Nông nghiệp Mymensingh, một công ty thuộc Tập đoàn PRAN, mở rộng năng lực sản xuất sản phẩm thực phẩm có chất lượng và có mức giá hợp lý với khoản đầu tư trị giá 25 triệu USD.
- Tại Việt Nam, IFC hỗ trợ giảm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, trong đó có trên 300 DNNVV, với việc cung cấp gói tài trợ 75 triệu USD cho Công ty Phát triển Phú Mỹ Hưng.
- Tại Ukraina, IFC tài trợ vốn lưu động cho một công ty sản xuất nông nghiệp hàng đầu nhằm hạn chế gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào trong sản xuất thịt, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong nước.
- Tại Brazil, IFC hỗ trợ duy trì việc làm và giảm nhẹ các cú sốc kinh tế thông qua khoản vay 100 triệu USD cho Daycoval, một ngân hàng chuyên cấp tín dụng cho các DNNVV, bao gồm doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Về IFC
IFC—thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới—là định chế phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Chúng tôi có mặt tại hơn 100 quốc gia, sử dụng năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra thị trường và cơ hội ở các quốc gia đang phát triển. Trong năm tài chính 2020, chúng tôi đầu tư 22 tỷ USD vào các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức tài chính ở các nước đang phát triển, huy động sức mạnh của khu vực tư nhân để xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung. Để biết thêm thông tin chi tiết, xin truy cập www.ifc.org.
Về Quỹ Hỗ trợ Kinh tế Tư nhân IDA
Trong khuôn khổ nguồn vốn bổ sung cho IDA18 có giá trị kỷ lục 75 tỷ USD, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã thành lập Quỹ Hỗ trợ Kinh tế Tư nhân IDA trị giá 2,5 tỷ USD để xúc tác cho đầu tư của khu vực tư nhân vào các quốc gia nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Nhận thức được vai trò chủ chốt của khu vực tư nhân trong việc đạt được các mục tiêu IDA18 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững, quỹ này cung cấp các khoản tài trợ ưu đãi để cùng tham gia đầu tư vào khu vực tư nhân với IFC và Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA). Các khoản tài trợ ưu đãi giúp giảm thiểu rủi ro và giảm bớt các rào cản đầu tư, nhờ đó giải phóng và thu hút đầu tư tư nhân vào các thị trường mới nổi. Để biết thêm thông tin, mời truy cập https://ida.worldbank.org/psw
Cập nhật thêm tại
www.instagram.com\ifc_org
Thanh Đức