Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết tính đến 2.9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đạt 55.500 tỉ đồng.
Sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8.
Báo cáo của Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Bên cạnh các yếu tố đã xuất hiện từ đầu năm, xuất hiện những yếu tố mới như hạn hán kéo dài trên diện rộng tại Trung Quốc, EU; chính sách tiền tệ nới lỏng tại Trung Quốc; căng thẳng địa chính trị gia tăng tại một số khu vực…
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm
VGP/NHẬT BẮC |
Dù vậy, trong nước ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI tính chung 8 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ các năm 2018 - 2021.
Giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng giảm nhẹ; bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu, kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định, chủ động phương án điều hành để tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết.
Xuất nhập khẩu tháng 8 ước tăng 17,3% so với cùng kỳ; nền kinh tế tháng 8 ước tính xuất siêu 2,42 tỉ USD, tính chung 8 tháng xuất siêu 3,96 tỉ USD.
Đáng chú ý, du lịch tiếp tục phục hồi tích cực, khách quốc tế 8 tháng đạt hơn 1,4 triệu lượt, gấp 12,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục tăng, phản ánh nền kinh tế đang phục hồi tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 8 tháng đạt gần 150.000 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các dự án trọng điểm, xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình quan trọng, chiến lược trong 8 tháng đầu năm như đoạn Cao Bồ-Mai Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Hạ Long-Móng Cái, cầu Thủ Thiêm 2; Nhiệt điện Thái Bình, Nghi Sơn, Sông Hậu…; xử lý 2 ngân hàng kiểm soát đặc biệt…
Dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn do việc thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng,… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.
Điều hành tăng trưởng tín dụng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát, nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay.
Thu hút FDI gặp nhiều khó khăn, FDI đăng ký cấp mới 8 tháng chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỉ giá, thu hút công nghệ cao… trong trung và dài hạn.
Xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái; số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản… đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm; tồn kho gia tăng.
Đáng chú ý, sau gần 8 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, tính đến 2.9, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sơ bộ đạt 55.500 tỉ đồng.
Trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 10.073 tỉ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đạt 3.045 tỉ đồng cho gần 4,54 triệu lao động; hỗ trợ 2% lãi suất đạt 13,5 tỉ đồng; giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng là 34.970 tỉ đồng... Ngoài ra gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt; việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế…
Về giải ngân đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến ngày 31.8 là hơn 212.227 tỉ đồng, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng giao, tính về số tuyệt đối giải ngân thì cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 24.942 tỉ đồng.
Thanh niên/Mai Hà