Thông tư này có 3 chương với 28 điều, quy định chi tiết và bao trùm hoạt động, các yếu tố nội tại của các tổ chức tín dụng Việt Nam để chấm điểm và xếp hạng hàng năm.
Theo thông tư, nguyên tắc của việc xếp hạng cần đảm bảo phản ánh đầy đủ thực trạng hoạt động, rủi ro của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 52 quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bắt đầu áp dụng từ 1/4/2019.
Sau khi xác định mức điểm đối với các nhóm chỉ tiêu định tính, tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài sẽ tiếp tục bị trừ điểm, tối đa trừ 0,9 điểm theo quy định sau:
Vi phạm 1 quy định nhiều lần: Trừ 0,1 điểm từ lần vi phạm thứ 2; Vi phạm nhiều lần với nhiều quy định khác nhau: Trừ 0,1 điểm từ lần vi phạm thứ 2.
Hành vi vi phạm có quy định mức phạt tiền tại Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng: Nếu mức phạt trung bình nhỏ hơn hoặc bằng 100 triệu đồng, nhận điểm 4; mức phạt trung bình từ 100 – 200 triệu đồng, nhận 3 điểm; mức phạt trung bình từ 200 – 300 triệu đồng, nhận 2 điểm; mức phạt trung bình lớn hơn 300 triệu đồng, nhận 1 điểm.
Đối với các hành vi vi phạm khác, các tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài nhận mức 4 điểm.
Nếu vi phạm nhiều quy định khác nhau trong cùng 1 nhóm chỉ tiêu định tính, tương ứng với nhiều mức điểm khác nhau thì nhận mức điểm thấp nhất.
Ngoài ra, thông tư còn quy định cụ thể về tài liệu dùng để xác định điểm xếp hạng, tiêu chí xếp hạng…
Căn cứ vào mức điểm xếp hạng đạt được, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xếp vào một trong các hạng sau: Tốt (A), Khá (B), Trung bình (C), Yếu (D) hoặc Yếu kém (E).
Hệ thống tiêu chí xếp hạng trong Thông tư 52 xác định, gồm: vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường.
Các tiêu chí trên được Ngân hàng Nhà nước quy định và xác định chi tiết các cấu phần, phân loại, cách tính…, đặc biệt về các cấu phần vốn, phân loại nợ và trích lập dự phòng…
Gắn với các nhóm chỉ tiêu định lượng, nhóm chỉ tiêu định tính, Thông tư 52 cũng quy định chi tiết cách tính điểm. Tổng điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định trên cơ sở tổng điểm của từng tiêu chí sau khi nhân với trọng số của từng tiêu chí.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xếp vào hạng A (Tốt) nếu có tổng điểm xếp hạng lớn hơn hoặc bằng 4,5; hạng B (Khá) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 4,5 và lớn hơn hoặc bằng 3,5; hạng C (Trung bình) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 3,5 và lớn hơn hoặc bằng 2,5; hạng D (Yếu) nếu tổng điểm nhỏ hơn 2,5 và lớn hơn hoặc bằng 1,5; hạng E (Yếu kém) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 1,5.
Trước ngày 10/6 hàng năm, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kết quả xếp hạng của năm trước liền kề đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trước ngày 30/6 hàng năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kết quả xếp hạng của năm trước liền kề đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo dantri.com.vn/An Hạ