Ngày 20 và 21/10 vừa qua, ông Mark Ridley, Tổng Giám đốc Điều hành Savills Global đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Kể từ ghé thăm Việt Nam gần nhất vào năm 2019, nền kinh tế thế giới đã chứng kiến nhiều biến động. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn cho thấy sự phát triển ổn định so với khu vực và quốc tế, với mức dự báo tăng trưởng GDP là 7.5% trong năm nay. Chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Mark Ridley như một lời khẳng định về vị thế của Việt Nam trên kinh tế toàn cầu.
Trong chuyến thăm năm 2019, ông Mark Ridley đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của Việt Nam trong chiến lược dài hạn của Savills khi cho rằng đất nước này đang là ‘’điểm nóng của bất động sản toàn cầu’’. Ba năm sau, ông một lần nữa khẳng định điều này trong báo cáo tài chính nửa năm của Tập đoàn Savills.
Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy xuất khẩu của Việt Nam trong chín tháng đầu năm đạt 282,52 tỷ USD, tăng so với mức 194,3 tỷ USD trong 9T/2019. Năm 2019, Việt Nam có mức tăng trưởng GDP là 7.2% và dự kiến năm 2022 con số này sẽ là 7.5%. Tại khu vực, Thái Lan, Singapore và Malaysia sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm vào 2020, lần lượt dự kiến có mức cải thiện trong 2022 là 3.0%, 3.5% và 5.9%.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất vào năm 2023. Trong quý 3, GDP Việt Nam tăng 13,7% theo năm và trong 9 tháng đầu năm mức tăng trưởng GDP là 8,8% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất trong 12 năm. Mức tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam trái ngược hẳn với diễn biến kinh tế của các quốc gia khác ở Châu Á.
‘’Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới hơn bao giờ hết. Mức tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 sẽ ở mức 2.5%, và các thị trường như Anh và Châu Âu dự báo sẽ suy thoái trong hai quý tiếp theo. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam đang sở hữu những cơ hội tăng trưởng như bây giờ,’’ ông Ridley phát biểu.
Theo vị này, mức tăng trưởng GDP ở Việt Nam chủ yếu dựa vào các ngành sản xuất. Bất chấp sự sụt giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng trên toàn cầu, xu hướng thúc gia tăng sản xuất ở Việt Nam vẫn tiếp tục, điển hình như sự dịch chuyển công nghiệp sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sau đại dịch.
Ông Mark Ridley, Tổng giám đốc Tập đoàn Savills Toàn cầu trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022
Ông Mark Ridley nhận xét sức hấp dẫn của thị trường Châu Á trái ngược hẳn với Châu Âu. Đồng Bảng Anh đã giảm gần 17% so với đồng Đô la Hong Kong và hơn 13% so với đồng Đô la Singapore trong vòng 12 tháng tính đến cuối tháng 9. Lạm phát ở Anh và khu vực đồng Euro đang ở mức xấp xỉ 10%. Trong khi đó, các nước Châu Á – Thái Bình Dương có mức lạm phát thấp hơn, với Singapore, Malaysia và Việt Nam lần lượt trong năm nay là 5%, 3,3% và 3,8%. Điều này cũng có nghĩa các nhà đầu tư Châu Á sẽ có có hội lớn khi đầu tư ở Châu Âu. Giá cả nhà ở tại London chưa thể trở lại mức năm 2014 và với việc Bảng Anh mất giá, London sẽ có mức đầu tư rẻ hơn khoảng 40% so với thời kỳ trước đây.
‘’Chuyến thăm của ông Ridley như khẳng định sức hấp dẫn của Việt Nam đối với Tập đoàn Savills nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung. Savills đã dẫn đầu các thị trường châu Âu và đang muốn mở rộng tới các quốc gia phía Đông, bao gồm khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, tương tự như các thị trường lớn như Hàn Quốc trong hai thập kỷ qua,’’ ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận xét.
Đại dịch đã cho thấy nền kinh tế thế giới có thể thay đổi nhanh chóng như thế nào, do vậy việc thực hành các chiên lược đổi mới thông minh là vô cùng cần thiết. Là người có am hiểu về thị trường toàn cầu, người đứng đầu Tập đoàn Savills nói thêm: “Kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với vô vàn bất ổn như căng thẳng chính trị, lạm phát tăng cao và chi tiêu giảm ở các thị trường như Mỹ và Châu Âu. Sự ổn định của chính trị Việt Nam cùng chi tiêu cơ sở hạ tầng bền vững, dân số trẻ hóa và vị trí thuận lợi trong thương mại toàn cầu đã giúp Việt Nam có một vị trí vững chắc trong kinh tế thế giới.’’
Phát biểu tại ngày Doanh nhân 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu của Việt Nam là trờ thành nền kinh tế công nghiệp, hiện đại và minh bạch, hội nhập quốc tế. Điều này đặc biệt có lợi đối với thị trường bất động sản, bởi các cam kết cải cách hành chính và pháp lý sẽ thúc đẩy nhanh quá trình và tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư, phát triển và người mua.
Các chuyên gia Savills cũng cho rằng minh bạch sẽ là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài.
‘’Tốc độ tăng trưởng ghi nhận ở Việt Nam sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong các hoạt động toàn cầu của chúng tôi. Đặc biệt, thị trường nhà ở sẽ còn hơn có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa. Các dự án liên quan tới chuỗi cung ứng và nhà kho cũng rất ấn tượng. Ngoài ra, chúng ta còn thấy được cơ hội lớn dành cho các trung tâm dữ liệu và chuỗi cung ứng kho lạnh. Các dịch vụ cho thuê thương mại cũng mở ra nhiều cơ hội đầu tư từ nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, công nghệ và hậu cần. Ngoài ra, nhu cầu về tư vấn xanh và phát triển bền vững được các nhà đầu tư đặc biệt chú ý, điều này sẽ thay đổi diện mạo thị trường bất động sản và cách chúng ta sử dụng các quỹ đất,’’ông Ridley nhấn mạnh.
Thanh Xuân