Ngày 23, 26/11 và 3/12, Dân Việt đã đăng loạt bài điều tra phản ánh xung quanh việc TP.HCM “hoán đổi đất” cho Công ty TNHH Thuận Hưng. Tuy nhiên đến nay, đã 25 năm, đất hoán đổi vẫn không giao cho doanh nghiệp, gây nhiều hậu quả đối với Công ty Thuận Hưng.
Ngày 14/12, nguồn tin từ UBND TP.HCM cho hay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức vào cuộc kiểm tra vụ việc này.
Liên quan đến vụ việc có ông Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Đào Anh Kiệt - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (ông Tín và ông Kiệt hiện đã bị Bộ Công an khởi tố hình sự, bắt giam vì liên quan đến sai phạm trong vụ án mang khu đất công 15 Thi Sách, quận 1, giao cho doanh nghiệp của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm), gây thiệt hại tiền tỷ cho Nhà nước).
Ông Nguyễn Hữu Tín và ông Đào Anh Kiệt là “bộ đôi” cùng nhau ký 2 văn bản bất thường, dẫn tới khu đất 8,3ha thuộc quyền sử dụng hợp pháp của Công ty Thuận Hưng lọt vào tay Công ty cổ phần Bình Điền (71% vốn của tư nhân), dưới sự “hỗ trợ” của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (viết tắt Satra, 100% vốn Nhà nước, là chủ đầu tư của Trung tâm thương mại Bình Điền).
Khu đất 8,3ha của Công ty Thuận Hưng kề sát Trung tâm thương mại Bình Điền, nhưng suốt 25 năm qua, Công ty Thuận Hưng vẫn chưa thể thực hiện dự án "tổng kho lương thực" như Chính phủ đã cấp phép năm 1994. Ảnh: C.H
Ngay sau loạt bài điều tra trên Dân Việt, ngày 5/12, ông Lê Quốc Trung - Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành công văn số 6456/BTNMT-TTr, gửi UBND TP.HCM.
Theo đó, nội dung công văn trên cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử đoàn công tác gồm 3 thanh tra viên, thuộc Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) vào TP.HCM.
Đoàn công tác có nhiệm vụ “kiểm tra, rà soát” các vấn đề mà báo Dân Việt đã nêu, liên quan đến khu đất “hoán đổi” của Công ty TNHH Thuận Hưng. Qua đó, đoàn công tác sẽ kiến nghị, đề xuất Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.
Khu đất đã lọt vào tay Công ty cổ phần Bình Điền, từ 2 văn bản bất thường do ông Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt ký. Khu đất hiện bỏ hoang nhưng được rào chắn kỹ càng. Ảnh: Cao Hùng
Ngày 13/12, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vào TP.HCM. Theo nguồn tin riêng của PV Dân Việt, đoàn công tác đã đề nghị UBND và các cơ quan liên quan ở TP.HCM cung cấp hồ sơ, tài liệu, cử cán bộ tham gia, phối hợp làm sáng tỏ vụ việc trên.
Ngoài ra, sau loạt bài điều tra của báo Dân Việt, ngày 4/12, Văn phòng UBND TP.HCM đã ban hành công văn số 11282/VP-ĐT, gửi các cơ quan chức năng của TP.HCM.
Công văn trên đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Theo đó, ông Hoan đã giao Ban Quản lý khu Nam “kiểm tra rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý, tổng hợp báo cáo, đề xuất trình UBND TP giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Thuận Hưng về thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 6525/QĐ-UBND ngày 8/12/2015 của UBND TP theo quy định pháp luật”.
Quyết định 6525 do ông Nguyễn Hữu Tín (Phó Chủ tịch UBND TP lúc đó) ký theo sự tham mưu của ông Đào Anh Kiệt (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khi đó), thu hồi 8,3ha đất của Công ty Thuận Hưng để giao cho Công ty cổ phần Bình Điền.
Hiện trạng một góc khu đất 8,3ha. Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thị sát khu đất trên trong 30 ngày làm việc tại TP.HCM. Ảnh: Cao Hùng
Bên cạnh đó, ngày 4/12 vừa qua đã diễn ra cuộc họp của các cơ quan chức năng liên quan đến khu đất 2,3ha của Công ty Thuận Hưng tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh.
Ngày 6/12, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (thuộc UBND huyện Bình Chánh) cũng ra văn bản số 7240/BBT, gửi Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn.
Theo UBND huyện Bình Chánh, các cơ quan chức năng đã thống nhất đề xuất rà soát về nguồn gốc pháp lý, quá trình thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và nguồn gốc số tiền bồi thường liên quan đến khu đất 2,3ha tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, mà UBND TP đã chủ trương giao cho Công ty Thuận Hưng. Đồng thời, UBND huyện Bình Chánh đã yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn có văn bản thể hiện chính kiến về nguồn gốc pháp lý khu đất, quá trình thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và nguồn gốc số tiền chi trả trong công tác bồi thường của dự án.