Tôi đã ấp ủ rất nhiều về việc đổi ngày nghỉ lễ. Thay vì 27-7 thì chúng ta nên chuyển qua ngày của cha,
ngày đàn ông, thế mới ý nghĩa" - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề xuất
Về đề xuất nghỉ lễ "ngày tri ân" 27-7, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết đây là ngày để tưởng nhớ những người có công với đất nước. Mặt khác, số ngày nghỉ lễ ở Việt Nam còn đang thấp hơn so với nhiều nước. Khoảng thời gian từ dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 đến 2-9 tương đối dài nên bộ này đã chọn ngày 27-7.
"Tri ân thì ngày nào chẳng phải tri ân"
GS Nguyễn Anh Trí (đại biểu Hà Nội) cho rằng không nên chọn nghỉ ngày 27-7 với ý nghĩa như mệnh đề đặt ra của Bộ LĐ-TBXH, bởi lịch sử nước ta có giai đoạn nhạy cảm, tuy đất nước thống nhất đã hơn 40 năm nhưng trong xã hội vẫn còn nhiều gia đình "ở phía bên này, bên kia".
"Chọn đó là ngày tri ân thì những người từng là cha mẹ, vợ con của người tử trận trong chiến tranh, nhưng họ ở phía bên kia, thì không được tri ân? Như vậy, ý nghĩa của tri ân không bao trùm xã hội được", ông Trí nói.
"Tôi đề nghị lấy ngày 28-6, tức Ngày gia đình Việt Nam. Có ngày nghỉ này thì mọi người sẽ có cơ hội hướng về gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc".
Nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề rằng lấy lý do tri ân để chọn ngày 27-7 làm ngày nghỉ lễ là không hợp lý, bởi tri ân là việc thường xuyên, không phải tới 27-7 mới làm. Hơn nữa, nghỉ lễ mà đi tri ân thì thực ra là… đi làm.
Nhiều đại biểu đồng tình đổi ngày nghỉ này qua dịp 28-6 bởi hai lí do: mọi người hướng về gia đình để đoàn tụ, cũng là thời điểm có độ giãn phù hợp giữa các dịp nghỉ lễ khác.
Cũng không chọn ngày 27-7 làm ngày nghỉ lễ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) lại đề nghị nghỉ vào ngày… đàn ông, hay là ngày của cha. "Tôi đã ấp ủ đề nghị này từ rất lâu, dưới góc độ bình đẳng giới, xin đề nghị có ngày nghỉ là… ngày đàn ông, hoặc ngày của cha, như thế sẽ rất ý nghĩa", bà Khánh chia sẻ.
Mở rộng phạm vi lấy ý kiến về tăng tuổi hưu
Nội dung tăng tuổi hưu trong dự thảo Bộ luật cũng nhận được nhiều thảo luận của các đại biểu Quốc hội. Theo các đại biểu, nếu việc tăng là không thể khác thì nhất thiết phải lấy ý kiến trên quy mô lớn, lắng nghe thêm tâm tư, suy nghĩ của người lao động, đặc biệt là giới công nhân, giáo viên, những ngành nghề mà tuổi nghề thường kéo dài chỉ một giai đoạn lúc còn trẻ.
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai)
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cho rằng việc tăng này cần xem xét rất kỹ ở từng đối tượng, ngành nghề, nhất là các ngành nghề đặc thù.
"Ví dụ như giáo viên, đặc biệt là khối mầm non và tiểu học. Thực tế họ đã làm vượt giờ rất nhiều rồi nhưng chế độ thì không tương xứng. Đa số không muốn tăng tuổi hưu bởi gây mệt mỏi, lương cũng không cao", bà Ý nói.
Đại biểu Đồng Nai đề nghị nội dung này cần có một đánh giá trên quy mô rộng, tiếp tục lấy ý kiến của người lao động, nhất là đối tượng công nhân, những người chịu chi phối trực tiếp của luật.
Đại biểu Huỳnh Thanh Liêm (Đồng Nai) cho rằng nếu buộc phải tăng tuổi hưu thì chỉ nên áp dụng trong nhóm đối tượng làm công tác nghiên cứu, các nhà khoa học chứ không nên mở quá rộng.
Đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) cho biết ở tỉnh bà thời gian qua có rất nhiều giáo viên xin nghỉ theo nghị định 108 bởi họ vốn trước đó tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng. Có nhiều giáo viên, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật mà cho tới lúc nhận quyết định hưu trí thì mức lương cũng chỉ được 3 triệu đồng/tháng.
"Nhiều người làm trong nghề múa hát, nghệ thuật mà tới 30-40 tuổi bắt người ta lên sân khấu cũng đã khó rồi. Cho nên là nếu tăng tuổi hưu thì rất khó, thực tế người ta cũng không muốn", bà Thuý nói.
Theo tuoitre.vn