Trước tình trạng tin giả đang lan tràn trên mạng xã hội; các Facebooker, YouTuber đang cố tình đưa ra những thông tin sai sự thật, bạn đọc cho rằng cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý
Như Thanh Niên thông tin, hôm qua (16.10), nguồn tin của Thanh Niên từ Cục Cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an cho biết đã mời một số ca sĩ, nghệ sĩ, trong đó có ca sĩ Thủy Tiên, lên phối hợp làm việc nhằm xác minh, điều tra theo đơn tố cáo, dư luận, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc một số nghệ sĩ đã lợi dụng việc quyên góp từ thiện, cứu trợ người dân miền Trung mùa lũ năm 2020, thiếu minh bạch trong quá trình giải ngân, có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vụ việc vẫn đang được CQĐT xác minh, làm rõ. Thông tin “Thủy Tiên bị bắt” là tin không xác thực, không đúng.
Vì sao mạng xã hội bát nháo ?
Trước đó, hàng loạt tài khoản Facebook cá nhân, fanpage, YouTube đưa thông tin ca sĩ Thủy Tiên và chồng là Công Vinh bị bắt với những hình ảnh bị cắt ghép. Thông tin từ phía cơ quan công an, như nêu trên, cho thấy đến thời điểm hiện tại CQĐT khẳng định thông tin này là không đúng sự thật… Không những vụ việc này, mà trước đó có rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, người nổi tiếng bị đồn thổi bị bắt bớ, thậm chí… qua đời trong khi những người này vẫn tự do làm công việc của họ và vẫn… sống sờ sờ. Vì sao lại có tình trạng này, nhất là trên mạng xã hội Facebook và YouTube? “Câu hỏi này không khó trả lời. YouTube có cơ chế trả tiền cho người mà họ gọi là “sáng tạo nội dung” dựa trên lượt xem và quảng cáo. Do vậy, rất nhiều YouTuber bất chấp pháp luật để đạt được mục đích, không ngoài động cơ kiếm tiền, lợi nhuận. Họ có thể biến không thành có, sẵn sàng lan truyền những thông tin “một nửa sự thật”, cắt ghép nhằm phục vụ cho ý đồ của mình. Thêm vào đó, họ cho rằng trên không gian mạng có thể “ẩn danh” nên càng lộng hành vì nạn nhân, người bị vu cáo, xúc phạm khó có thể tìm ra tung tích, danh tính thật; cơ quan chức năng không thể nào lần ra họ để xác minh, xử lý. Điều nguy hiểm hơn là ai dám chắc những YouTuber, Facebooker này không vì động cơ tiền bạc mà cho ra đời những clip, status được người khác “đặt hàng”? Những vấn đề này luật pháp cần ghi nhận như một sự phát sinh trong bối cảnh mạng xã hội đang ngày càng được nhiều người sử dụng và từ đó đề ra hành lang pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức”, bạn đọc (BĐ) Huỳnh Trung Quang phân tích.
Cho đến thời điểm hiện tại, C02 - Bộ Công an cho biết thông tin “Thủy Tiên bị bắt” như một số tài khoản Facebook cá nhân, fanpage lan truyền, là không xác thực, không đúng |
Không tiếp tay bằng cách “share”, “like”
BĐ Nguyễn Thanh Trà cho rằng: “Thông tin sai lệch, xúc phạm cá nhân, tổ chức do các Facebooker, YouTuber tạo ra sẽ không thể lan truyền nếu người đọc, người xem những thông tin này không cố tình share (chia sẻ), like (thích). Cần đặt một số câu hỏi và xem trên các nguồn tin chính thống để có thể tự mình đưa ra nhận xét đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai sự thật, bịa đặt... Like, share những thông tin thất thiệt, sai sự thật có thể làm tổn thương đến nạn nhân, khiến họ vì áp lực dư luận quá lớn, trong khi không thể đủ sức để tự vệ hoặc nói lại cho rõ, đã dẫn tới một số trường hợp phải chọn giải pháp tiêu cực... Do vậy, ở một khía cạnh nào đó, các YouTuber, Facebooker tạo ra thông tin sai sự thật đã vi phạm pháp luật, vi phạm những chuẩn mực đạo đức nhưng người tiếp tay bằng cách share, like cũng không thể coi là không liên quan...”.
BĐ Nguyễn Ngọc Dũng thì chia sẻ: “Tôi có hai cháu (một trai, một gái; học lớp 11 và 10). Bản thân gia đình tôi không cấm các cháu tham gia mạng xã hội hay vào YouTube để xem, giải trí... Khi tôi lên mạng xã hội, YouTube cũng phải sợ, lo lắng vì khi tiếp cận một số thông tin ở các kênh này, không thể xác định đâu là thật - giả. Chỉ đến khi đọc trên các phương tiện truyền thông chính thống mới “bật ngửa” vì mức độ ngụy tạo thông tin của một số kênh YouTube quá tinh vi... Bản thân tôi còn vậy, huống hồ các con tôi nói riêng và lớp trẻ thiếu kinh nghiệm, hiểu biết…, thì làm sao tránh khỏi có lúc phải tiếp thu những thông tin sai lệch, bịa đặt. Cần phải dọn sạch “rác” trên không gian mạng để bảo vệ người trẻ và những nạn nhân”.
Mạng xã hội giờ loạn hết cả lên rồi. Họ lên livestream định hướng dư luận, lệch chuẩn, rồi chia ra phe phái, phát ngôn thiếu chuẩn mực, bịa đặt, vu khống, bêu xấu, chửi nhau... Rất mong cơ quan chức năng, công an mạnh tay xử lý nghiêm minh những thành phần này, trả lại bình yên cho cộng đồng mạng càng nhanh càng tốt.
Võ Đức Lành
Nếu không nhanh chóng xử lý, điều tra những kẻ tung tin sai sự thật và đưa ra trước ánh sáng pháp luật, thì khó có thể ngăn ngừa, răn đe được tình trạng có xu hướng phổ biến trong thời gian gần đây. Ai có tội hay không có tội, phải do các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố, xét xử chứ không phải là quyền hạn của các Facebooker, YouTuber... vô pháp.
Ngọc Thanh
Thanh niên/ Tường Vy (tổng hợp)