Tập đoàn Liên Thái Bình Dương tài trợ cho UBND tỉnh Khánh Hòa số tiền 5 triệu USD để lập quy hoạch khu kinh tế Vân Phong. Việc lập quy hoạch này dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Ngày 09/09/2020, Tại văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra lễ ký kết chính thức Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, xúc tiến đầu tư phát triển Khu kinh tế Vân Phong giữa UBND tỉnh Khánh Hòa và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương.
Đến tham dự lễ ký kết có sự hiện diện của Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và đại diện các Sở, Ban ngành tỉnh Khánh Hòa, Lãnh đạo tập đoàn IPPG, các cơ quan truyền thông, báo đài và các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước như: Viện Quy Hoạch Đô Thị và Nông Thôn Quốc Gia – VIUP, KPMG và Boston Consultanting Group (BCG).
Theo ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, thông qua việc ký kết này IPPG sẽ tài trợ khoảng 5 triệu USD để làm kinh phí tổ chức lập chiến lược tổng thể phát triển; lập, thẩm định phê duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong. “Dự kiến việc lập quy hoạch mất khoảng 2 năm. Đến năm 2022, tỉnh Khánh Hòa sẽ trình đồ án quy hoạch này lên Thủ tướng xin ý kiến, phê duyệt”, ông Tuân nói.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn IPPG, việc lập quy hoạch sẽ tạo điều kiện để khu kinh tế Vân Phong trở thành nơi thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới vào đầu tư. “Lúc đầu chúng tôi dự kiến thu hút khoảng 40 tỷ USD từ các nhà đầu tư, nhưng đến nay có khoảng 200 nhà đầu tư có ý định rót vốn vào khu kinh tế Vân Phong với số tiền lên đến 60 tỷ USD”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn thông tin.
Khu kinh tế Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2006 và phê duyệt Quy hoạch chung tại Quyết định số 380 ngày 14/3/2014. Tổng diện tích Khu kinh tế rộng khoảng 1.500 km² trong đó phần trên biển rộng tới 800 km². Phần trên đất liền bao trùm các xã Vạn Thọ, Đại Lãnh, Vạn Thạnh, Vạn Phước, Vạn Khánh, Vạn Bình, Vạn Thắng, Vạn Phú, Vạn Lương, Vạn Hưng, Xuân Sơn và thị trấn Vạn Giã thuộc huyện Vạn Ninh.
Khu kinh tế Vân Phong có lợi thế là cảng nước sâu Đầm Môn có thể tiếp nhận tàu 200.000 DWT vào ra dễ dàng. Giao thông thuận lợi, nằm trên giao lộ Bắc Nam và Tây Nguyên, cảnh quan du lịch phong phú đầy tiềm năng thuộc tỉnh Khánh Hoà.....
Biên bản ghi nhớ được ký kết sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 783/TTg-QHĐP ngày 23/6/2020 về việc đồng ý cho UBND tỉnh Khánh Hòa tạm dừng triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong và đề nghị tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời ký 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế vân Phong.
Tại buổi lễ bà Lê Hồng Thủy Tiên- Tổng giám đốc cũng đại diện IPPG ký kết bản ghi nhớ với các công ty tư vấn BCG/KPMG và Viện quy hoạch Viup.
Sau Lễ ký kết, các bên thống nhất cùng phối hợp nghiên cứu và hoàn thiện Đề án theo định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên ngày 03/8/2020 vừa qua. Theo đó, việc xây dựng Đề án phải đảm bảo tính đồng bộ thống nhất của các quy hoạch có liên quan, đặc biệt có tính tới việc liên kết các vùng giữa Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa trong việc phát triển kinh tế, du lịch, đầu tư hạ tầng chung, tránh chồng chéo và cạnh tranh trong vùng nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh giữa 2 tỉnh. Đồng thời, Khu kinh tế Vân Phong sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung vào nhóm các khu kinh tế ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư.
Cùng với các công ty tư vấn uy tín trong và ngoài nước, việc rà soát và điều chỉnh chiến lược, định hướng kinh tế sẽ bám sát vào các nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư, các cơ chế chính sách đề xuất sẽ đánh giá tới yếu tố cạnh tranh, thu hút đầu tư so với các nước khu vực lân cận. Đặc biệt, trong bối cảnh các nước đang nỗ lực mở cửa để bắt kịp sự thay đổi của kinh tế toàn cầu hiện nay, và thu hút các Doanh nghiệp đa quốc gia đang có kế hoạch chuyển dịch định hướng đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới. Đề án cần đảm bảo việc thu hút đầu tư sau này sẽ đạt được yếu tố hấp dẫn, thuận lợi và đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn sau khi Quy hoạch chung được xem xét và phê duyệt của các cấp có thẩm quyền
Thanh Đức