Theo thông tin mới nhất Dân Việt nắm được, cả "Nữ hoàng Văn hóa tâm linh" và "Nam vương Trương Huy Hoàng" đều có đơn rút khỏi chức Phó Ban. Như vậy, đến chiều 7/7, đã có 4 Phó Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam chính thức có đơn xin rút khỏi chức vụ Phó Ban này.
Đã có 4 Phó ban xin rút khỏi “Ban chống hàng giả”. (Ảnh: I.T)
Chiều 7/7, trao đổi với Dân Việt, ông Trương Văn Tiễn (Nam vương Trương Huy Hoàng) chính thức xác nhận ông đã có đơn xin rút khỏi chức vụ Phó Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam.
“Lý do tôi xin rút là vì cảm thấy không đủ năng lực nhận trách nhiệm được giao, không thể đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban nên xin rút kể từ ngày 7/7".
Nam vương Trương Huy Hoàng đã có đơn xin rút khỏi chức vụ Phó Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam. (Ảnh: IT)
Trước ông Trương Văn Tiễn, bà Phạm Nữ Hiền Ngân (Nữ Hoàng văn hóa tâm linh) cũng đã chính thức có đơn xin rút khỏi chức vụ Phó Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam. Lý do xin rút của bà Hiền Ngân cũng là không đủ năng lực để đảm nhận trách nhiệm được giao nên không thể tiếp tục đảm nhiệm trách nhiệm Phó Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam.
Trước đó, ngày 5/7, cộng đồng mạng đã xôn xao trước lá đơn xin miễn nhiệm chức vụ Phó Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam của ông Hoàng Văn Trường với lý do: “Cảm thấy không đủ năng lực để nhận trách nhiệm được giao, không thể tiếp tục nhận trách nhiệm Phó trưởng Ban”.
Ngoài ra, ông Trần Quí Thanh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH TMDV Tân Hiệp Phát cũng đã có văn bản gửi tới Viện Công nghệ chống làm giả đề nghị khỏi chức danh Phó ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam vì lý do sức khỏe.
Nữ hoàng Văn hóa tâm linh Phạm Nữ Hiền Ngân cũng đã chính thức có đơn rút khỏi Phó Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam. (Ảnh: IT)
Trao đổi với Dân Việt sáng 7/7, ông Trần Quí Thanh cho biết: “Lúc đầu tôi được giới thiệu tham gia ban này là của Bộ Công Thương để tham gia chống hàng giả. Tôi tưởng đơn vị này liên quan tới cơ quan của Nhà nước - Bộ Công Thương, nhưng sau đó tôi thấy không đúng như thế nên xin rút”.
Như vậy, chỉ mới ra mắt từ ngày 26/6 và chưa hoạt động chính thức nhưng đã có tới 4 vị Phó Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam thuộc Viện Công nghệ chống làm giả (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam) đã chính thức tuyên bố xin rút khỏi vị trí.
Trao đổi với phóng viên sáng 7/7, bà Trần Mai Khanh - Viện trưởng Viện Công nghệ chống làm giả (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam), đơn vị trực tiếp tổ chức ra mắt và ký quyết định thành lập Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam cho biết: “Tôi đang bận việc nên cứ gửi câu hỏi bằng văn bản, luật sư của tôi sẽ trả lời”.
Bà Khanh cho biết Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam được thành lập tại TP.HCM, trực thuộc Viện Công nghệ chống làm giả, theo quy chế hoạt động của Viện, tuy nhiên sự việc ngày 26/6 vừa qua là ra mắt, chưa phải hoạt động chính thức.
Theo bà Khanh, hiện Viện mới gửi các công văn, hồ sơ tài liệu liên quan đến Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ TP.HCM để hoàn tất các thủ tục, dự kiến 1 tháng nữa sẽ đi vào hoạt động chính thức.
“Tôi sẽ đề nghị luật sư của tôi làm đơn khởi kiện một số tờ báo ra tòa vì đã đăng tải thông tin sai sự thật”, bà Khanh cho biết.
Theo tìm hiểu, Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả được giới thiệu "ra mắt dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tài Chính". Thực tế, Viện Công nghệ chống làm giả (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam) là đơn vị Hội nghề nghiệp do ông Lê Thế Bảo làm Chủ tịch Hiệp hội. Chiều 6/7, Đại diện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã phủ nhận việc “chỉ định” 5 thành viên làm lãnh đạo Ban Phát triển thương hiệu và chống hàng giả Việt Nam. |