Trong 9 tháng đầu năm, Vingroup có doanh thu khoảng 92.600 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 4.100 tỉ đồng. Trong khi đó, Hoa Sen giảm doanh thu nhưng tăng lợi nhuận, còn Masan, giữa những tranh cãi truyền thông, lại khá lạc quan.
Theo báo cáo tóm tắt, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2019 của Tập đoàn Vingroup đạt khoảng 92.600 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt khoảng 4.100 tỉ đồng.
Ở mảng bán lẻ, VinCommerce ghi nhận đã mở rộng mạng lưới 2.649 cửa hàng (tăng trưởng 56,9% so với cùng kỳ 2018).
Xét về doanh thu, trong 9 tháng đầu năm 2019, Vinmart đạt 10.443 tỉ đồng (tăng trưởng 51% so với cùng kỳ) và Vinmart+ đạt 9.644 tỉ đồng (tăng trưởng 88% so với cùng kỳ).
Tổng doanh thu mảng bán lẻ 9 tháng đầu năm 2019 của Tập đoàn Vingroup được ghi nhận gần 22.000 tỉ đồng, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (69,8%).
Mảng sản xuất công nghiệp bao gồm điện thoại VinSmart và ôtô, xe máy VinFast ghi nhận doanh thu 4.286 tỉ đồng.
Riêng mảng bất động sản, Tập đoàn Vingroup chứng kiến doanh thu sụt giảm từ 57.021 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018 xuống còn 49.475 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, các mảng kinh doanh khác đều tăng trưởng cao.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2019 của doanh nghiệp, hàng tồn kho ôtô, xe máy, điện thoại đang là 4.861 tỉ đồng.
Cũng trong báo cáo trên, hàng tồn kho bất động sản để bán đang xây dựng chiếm tỉ trọng cao nhất, đạt giá trị khoảng 64.000 tỉ đồng.
Ngoài Tập đoàn Vingroup, một doanh nghiệp khác là Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) cũng công bố văn bản giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh.
Theo đó, mặc dù doanh thu thuần của Hoa Sen trong quý 4-2019 (tính từ 1-7 đến 30-9) giảm đến hơn 2.200 tỉ đồng (-26%) nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt gần 84 tỉ đồng so với con số âm 101 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn Hoa Sen lý giải rằng do lợi nhuận gộp tăng và các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp được cắt giảm.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2019, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận nợ phải trả đã giảm hơn 4.466 tỉ đồng nhờ các khoản nợ ngắn hạn, nợ dài hạn với ngân hàng và công ty cho thuê tài chính được cắt giảm.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 với kết quả khá lạc quan.
Cụ thể, doanh thu thuần trong 9 tháng đầu năm 2019 dù giảm 0,9% so với cùng kỳ, tương ứng 26.378 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận phân bổ cho cổ đông của công ty trong hoạt động kinh doanh chính trong 9 tháng đầu năm 2019 vẫn tăng 5,6%, tương ứng đạt 2.459 tỉ đồng.
Riêng lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông công ty ở quý 3-2019 tăng đến 197% so với quý 3 năm ngoái, tương ứng 2.228 tỉ.
Theo Masan, một trong những nguyên nhân đưa lợi nhuận tăng trong quý 3-2019 là từ mảng đồ uống, tăng đến 35,4% từ đóng góp của thức uống tăng lực và nước đóng chai so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2019, mảng đồ uống của doanh nghiệp này đã tăng trưởng doanh thu 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, ở mảng thực phẩm tiện lợi, mức tăng trưởng cũng ghi nhận hơn 15%, đưa dự kiến doanh thu của ngành này tăng khoảng 10% cho cả năm 2019.
Tập đoàn này cũng ghi nhận một nguyên nhân nữa khiến lợi nhuận quý 3 tăng cao đến từ vụ kiện quốc tế của công ty thành viên là Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, doanh nghiệp do Công ty cổ phần tài nguyên Masan (Masan Resources) sở hữu 100% vốn.
Tuổi trẻ/ TRẤN KIÊN - TRẦN VŨ NGHI