Tầm nhìn sáng tạo và tập trung vào công nghệ là những yếu tố quan trọng thúc đẩy hiệu quả kinh tế của các đô thị hiện đại. Không nơi nào thể hiện điều này rõ ràng hơn ở châu Á, nơi có vô số thành phố mang đến sự kết hợp mạnh mẽ giữa sự giàu có gia tăng, nền kinh tế mở rộng và tiềm năng phát triển mới và mở rộng kinh doanh.
Châu Á là nơi có đến 14 trong Top 15 Trung tâm Tăng trưởng hàng đầu (The Growth Hubs) được thống kê của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu Savills. Việt Nam đặc biệt có sự góp mặt của TP.HCM đứng thứ 2 và Hà Nội đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng.
Chỉ số Trung tâm Tăng trưởng (The Growth Hubs Index) là một chỉ số đi kèm với Chỉ số Thành phố Thích ứng (Savills Resilient Cities Index) của Savills. Chỉ số này có vai trò dự báo các khía cạnh kinh tế của 230 thành phố cho đến năm 2033 để xác định các thành phố phát triển nhanh nhất. Các thành phố ở Ấn Độ và Bangladesh, hầu hết dự kiến sẽ chứng kiến GDP tăng trưởng hơn 68% trong thập kỷ tới. Bengaluru ở Ấn Độ dẫn đầu nhóm Thành phố Tăng trưởng, tiếp theo là TP.HCM của Việt Nam.
Dữ liệu được lấy từ Oxford Economics ở cấp thành phố-vùng đô thị. Xếp hạng tín dụng tương lai ở cấp quốc gia.Phân tích này chỉ tập trung vào nhóm các thành phố có GDP năm 2023 từ 50 tỷ USD trở lên.
Việt Nam: Tăng thu nhập và đầu tư cơ sở hạ tầng
Việt Nam có hai thành phố lọt vào top 15 Trung tâm Tăng trưởng hàng đầu. Kết quả dự báo mạnh mẽ của TP.HCM được thúc đẩy bởi sự gia tăng lớn nhất về số lượng hộ gia đình thu nhập cao. Triển vọng phát triển của Hà Nội dựa trên sự gia tăng tài sản cá nhân và tầng lớp trung lưu đang mở rộng.
Nghiên cứu cũng phân tích Việt Nam đang tiếp tục đặt nền móng để gặt hái những lợi ích từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ trong thập kỷ tới thông qua những thay đổi đột phá về cơ sở hạ tầng, quy định và quy hoạch.
Khoảng 6% GDP được dành cho cơ sở hạ tầng - mức cao nhất so với các quốc gia khác trong khu vực. Đây là nguồn ngân sách dành cho các dự án như Sân bay quốc tế Long Thành, phía đông TP.HCM, cũng như hàng nghìn km đường bộ và cảng biển nước sâu mới.
Chính phủ cũng có kế hoạch trị giá 134,7 tỷ USD để giảm sự phụ thuộc vào than và đã thông qua các luật mới với tốc độ nhanh chóng để thúc đẩy khả năng cạnh tranh, quản trị và công bằng xã hội của đất nước.
Kết quả là một cơ sở sản xuất công nghệ đang phát triển được hỗ trợ bởi đầu tư từ Hàn Quốc, Singapore và Trung Quốc, cũng như các công ty châu Âu đảm bảo chuỗi cung ứng của họ ra khỏi châu Á.
“Việt Nam đã chuyển đổi từ sản xuất truyền thống với sàn nhà đất, với các công ty chỉ tìm kiếm chi phí lao động thấp hơn, sang một quốc gia công nghệ cao, chuyên sâu hơn, với ngành sản xuất tay nghề cao. Những hoạt động này đang mang đến giá trị lâu dài và đang tạo ra một nền kinh tế lớn hơn”, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành tại Savills Việt Nam cho biết."
Các lĩnh vực sản xuất mà Việt Nam đang có thể thực hiện bao gồm các tấm pin mặt trời, xe điện, chip, pin laptop, điện thoại, màn hình và tất cả các thành phần linh kiện liên quan. Tuy nhiên, Việt Nam phụ thuộc vào một nhà đầu tư chính, đơn cử là Samsung chiếm tới 10-30% GDP của cả nước, trong khi LG Corp cũng có sự hiện diện mạnh mẽ.
Tháng 4 năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ đại diện của 63 tỉnh, thành phố cả nước để triển khai Kế hoạch Tổng thể Quốc gia, nhấn mạnh tăng trưởng công nghệ cao và cải thiện quy hoạch. Việc triển khai sẽ giới thiệu các khu vực sử dụng đất và tạo ra sự phát triển hạ tầng giao thông vận tải rất cần thiết.
Theo nghiên cứu, TP.HCM luôn là cửa ngõ thu hút đầu tư nước ngoài. Với tỷ lệ lấp đầy văn phòng lên tới 92%, thị trường văn phòng của thành phố rất sôi động, nhưng lại thiếu nguồn cung văn phòng hạng A. Bán lẻ cũng đang phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu nội địa dồi dào, thúc đẩy việc hiện đại hóa các cửa hàng truyền thống.
Trong khi đó, Hà Nội gần đây cũng nắm bắt được nhiều cơ hội sản xuất công nghệ cao, nhưng nhược điểm của thành phố là chất lượng không khí. Nằm trong vùng đồng bằng được bao bọc bởi hai dãy núi, bất kỳ luồng không khí ô nhiễm nào cũng bị giữ lại; Hà Nội gần đây đã đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Tuy nhiên, việc cải thiện cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các địa phương có môi trường sạch và tự nhiên chỉ cách trung tâm một giờ đi lại, bù đắp cho những vấn đề về ô nhiễm của thành phố.
Nghiên cứu của Savills nhận định, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ thay đổi bức tranh công nghiệp của đất nước. Cùng với các dự án mới này, quỹ đất cũng sẽ được dành riêng cho phát triển nhà ở, cùng các dịch vụ và tiện ích hỗ trợ.
Sự trỗi dậy của châu Á
Sự chuyển đổi nền tảng kinh tế của châu Á, với sự nhấn mạnh ngày càng tăng vào tăng trưởng dựa trên công nghệ, là yếu tố thúc đẩy sự vươn lên của các thành phố trong khu vực trên bảng xếp hạng. Tuy nhiên, các chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng theo kế hoạch và cải thiện kết nối và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng là những yếu tố then chốt. Một tỷ lệ lớn các thành phố châu Á cũng được dự đoán sẽ có tầng lớp trung lưu mở rộng khi tài sản cá nhân tăng lên đáng kể trên khắp khu vực.
Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh sản xuất truyền thống của khu vực vẫn là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng. "Chúng ta không nên bỏ qua các động lực sản xuất truyền thống", ông Simon Smith, Giám đốc Cấp cao, Nghiên cứu & Tư vấn tại Savills Châu Á – Thái Bình Dương cho biết.
"Các ngành này vẫn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là ở những nơi thị trường quỹ đất và lao động truyền thống giá rẻ đang trở nên đắt đỏ hơn, buộc các ngành công nghiệp phải cân nhắc di dời sang các khu vực khác. Và chi phí không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy việc di dời - đó còn là nhu cầu linh hoạt của doanh nghiệp để đa dạng hóa hoạt động trong khu vực”, vị chuyên gia phân tích thêm.
Sự dịch chuyển sản xuất nội vùng từ Trung Quốc sang Đông Nam Á là một trong nhiều diễn biến thú vị đang diễn ra. "Bắc Á đang già hóa với tốc độ chóng mặt, trong trường hợp của các quốc gia như Hàn Quốc. Nhưng Đông Nam Á và Ấn Độ vẫn còn trẻ. Họ vẫn đang trong giai đoạn trẻ trung và đô thị hóa", ông Smith nói.
Thùy Dân