Những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, sự hỗ trợ của các Sở, ngành, sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn của doanh nghiệp du lịch, ngành du lịch thành phố đã có những bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của thành phố.
Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu của ngành trong năm 2018 và mục tiêu năm 2019:
- Số lượng khách du lịch đến TP.HCM ước đạt 36,5 triệu lượt người, trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 7,5 triệu lượt, tăng 17,38% so với năm 2017, khách du lịch nội địa ước đạt 29 triệu lượt, tăng 16,07% so với năm 2017.
- Doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) năm 2018 ước đạt 140 nghìn tỷ đồng, tăng 21,55% so với cùng kỳ. Đây là một con số đáng nể trong ngành du lịch Việt Nam.
- Trong 3 tháng đầu năm 2019, ngành du lịch Thành phố đã đạt được những kết quả khả quan, lượng khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh, ước đạt 2.257.994 lượt, đạt 27% kế hoạch năm 2019. Doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) ước đạt 39.872.tỷ, đạt 26,6 % kế hoạch năm 2019.
- Trong năm 2019, ngành Du lịch TP.HCM đặt mục tiêu sẽ đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 14% so với năm 2018; khách du lịch nội địa đến thành phố phấn đấu đạt 32,77 triệu lượt, tăng khoảng 13% so với năm 2018. Tổng doanh thu du lịch phấn đấu đạt 150 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14,5% so với năm 2018.
Về sản phẩm lưu trú du lịch:
Trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở lưu trú ở thành phố có bước phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính tới cuối năm 2018, trên địa bàn Thành phố đã có 2.937 cơ sở lưu trú du lịch các loại với hơn 60 nghìn phòng kinh doanh. Trong đó: 1.458 khách sạn từ 1 đến 5 sao với 41.340 phòng kinh doanh , 1479 cơ sở lưu trú du lịch với 34.755 phòng đạt tiêu chuẩn kinh doanh 2 lưu trú du lịch. Hệ thống dịch vụ cơ sở lưu trú phát triển góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch thành phố. Tuy nhiên, thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số tại các khách sạn trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập do thiếu chiến lược thực hiện, hạn chế về nguồn vốn đầu tư, chất lượng nhân sự triển khai và việc nắm bắt các công cụ mới cũng như hạ tầng thông tin còn yếu.
Những cơ hội và thách thức đặt ra trong giai đoạn hiện nay:
- Lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 về phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 16 tháng 9 năm 2016 tạo cơ sở quan trọng để hình thành hành lang pháp lý và các chính sách phát triển du lịch; đặc biệt là Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành. Tiếp theo là Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các ngành, các cấp, người dân và doanh nghiệp đã vào cuộc mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến tích cực trong xã hội về vị trí, vai trò của du lịch.
- Tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thúc đẩy du lịch thông minh phát triển. Các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam cũng đã đầu tư cho công nghệ và triển khai nhiều ứng dụng thông minh đáp ứng nhu cầu của du khách trong việc tìm kiếm và đặt dịch vụ như vé máy bay, phòng khách sạn để du khách có thể chủ động lập kế hoạch phù hợp.
- Việc Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế và những thay đổi địa chính trị thế giới đã tạo ra những cơ hội trong việc đưa du khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Việt Nam thực hiện thí điểm việc cấp thị thực điện tử (E-visa) trong 2 năm đối với công dân của 40 quốc gia khi nhập cảnh đến Việt Nam, đây cũng là bước phát triển tất yếu trong xu thế hội nhập, qua đó thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam.
- Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành việc mở rộng, các công trình chống ngập, công trình giao thông công cộng, các tuyến đường thủy và metro hoàn thành trong thời gian tới góp phần nâng cao chất lượng và năng lực phục vụ
khách du lịch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các khách sạn trong nước cũng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, cụ thể:
- Sự kỳ vọng của khách hàng ngày càng cao từ các dịch vụ của khách sạn, các khách sạn đòi hỏi đầu tư vào các công nghệ để nâng cao trải nghiệm của khách hàng và nhằm tạo lợi thế trong thời buổi cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn đang trở nên gay gắt;
- Hệ thống Internet phát triển đã thay đổi nhiều hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, trong đó có hoạt động tiếp thị. Những hình thức tiếp thị theo kiểu truyền thống đã không còn hiệu quả;
- Vấn đề an toàn dữ liệu: Các mối đe dọa về trộm cắp dữ liệu số, tấn công virus, rò rỉ dữ liệu đã trở thành một mối quan tâm lớn của các chủ khách sạn trên toàn cầu. Dữ liệu khách hàng là rất quan trọng. Việc rò rỉ dữ liệu khách hàng có thể làm hình ảnh của khách sạn bị ảnh hưởng, khách hàng sẽ không còn tin tưởng đặt phòng ở khách sạn;
- Khó khăn khi xây dựng tỷ lệ khách hàng tiếp tục sử dụng dịch vụ: Hiện nay, khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy những khoản ưu đãi khi đặt phòng trên internet nên việc xây dựng tỷ lệ khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ là một thách
thức lớn trong kinh doanh khách sạn;
- Công tác quản lý nhà nước về khách sạn trên địa bàn thành phố còn một số thách thức như: công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và DN có lúc có nơi còn chưa đồng bộ, công tác quảng bá, xúc tiến còn thiếu chuyên nghiệp nhất là trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để đạt được những mục tiêu nhiệm vụ được giao về việc xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch, tăng độ dài lưu trú và chi tiền của du khách, việc tìm ra các giải pháp cụ thể để ngành khách sạn phát triển hiệu quả, đúng định hướng nhằm đưa ngành du lịch ngày càng phát triển.
Thông qua Tọa đàm lần này, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn được lắng nghe các ý kiến góp ý, hiến kế và giải pháp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các đơn vị và quý vị đại biểu để làm rõ những nội dung sau:
1. Các cơ hội và lợi ích của việc áp dụng công nghệ trong quản lý, vận hành và kinh doanh khách sạn; Những thách thức và khó khăn của các khách sạn nội địa trong việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và kinh doanh khách sạn;
2. Đầu tư vào công nghệ trong ngành khách sạn như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất?
3. Các kinh nghiệm đối với Cơ quan quản lý Nhà nước để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và kinh doanh khách sạn, các giải pháp hạn chế các mặt hạn chế từ việc ứng dụng công nghệ.
Trên đây là một số định hướng cơ bản để các đại biểu tập trung thảo luận, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh rất mong các đại biểu với tình cảm, kiến thức và kinh nghiệm trong ngành du lịch sẽ phát huy trí tuệ trong thảo luận, hiến kế để sau buổi Tọa đàm chúng ta tìm ra được những giải pháp thiết thực, hiệu quả cho việc phát triển ngành khách sạn thành phố, góp phần đưa ngành du lịch ngày càng phát triển, đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của Thành phố Hồ Chí Minh./.
SỞ DU LỊCH TP. HỒ CHÍ MINH
PV