Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà trao sữa cho các em tại sự kiện "Ngày sữa Thế giới 2019" do Vinamilk tổ chức sáng 1-6
Bà Nguyễn Thị Hà, thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho biết dựa vào báo cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỉ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam vẫn còn rất cao khi "cứ bốn em thì có một em bị suy dinh dưỡng, chiều cao trung bình của trẻ em Việt Nam còn trong nhóm thấp nhất của thế giới".
Niềm vui khi uống sữa của trẻ tại sự kiện "Ngày sữa Thế giới 2019" do Vinamilk tổ chức sáng 1-6
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, chiều cao của người Việt Nam gần như thấp nhất khu vực châu Á và chỉ tăng 3cm trong suốt thời gian dài 25 năm (từ 1993 - 2018), dù tiêu thụ bình quân sữa có chiều hướng tăng dần qua từng năm, từ 14 lít/người/năm vào năm 2010 đã "nhảy" lên mức 27 lít/người/năm vào năm 2018.
Tỉ lệ này còn khá khiêm tốn so với mức tiêu thụ ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và kém xa mức tiêu thụ 300 lít/người/năm ở châu Âu, trong khi theo dự báo của Hiệp hội Sữa Việt Nam, lượng tiêu dùng sữa được dự báo tăng 9-10% trong những năm tới.
Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cũng cho thấy chỉ có 23% là do di truyền, 25% do tâm lý và môi trường sống, 20% rèn luyện thể lực, quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%.
Trong số đó, sữa đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt canxi và các vi chất cần thiết.
Chính vì vậy, bên cạnh đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình sữa học đường" cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 không nằm ngoài lý do nói trên.
Bà Lê Thị Thu Mai, giám đốc marketing của Vinamilk, cho hay để hướng đến mục tiêu cho mọi trẻ em đều được uống sữa mỗi ngày, nhiều năm qua công ty này thường xuyên tổ chức hoạt động cộng đồng như "Quỹ sữa vươn cao Việt Nam" cũng như thực hiện "Chương trình sữa học đường" để các em học sinh được thụ hưởng nguồn dinh dưỡng chất lượng.
Theo bà Mai, một trong những nỗ lực khác của Vinamilk để mang đến những ly sữa tươi ngon, chất lượng đến với người tiêu dùng Việt Nam chính là phát triển vùng nguyên liệu sữa để chủ động sản xuất sữa tươi từ những năm 1991.
Đến nay, Vinamilk hiện có hệ thống 10 trang trại chuẩn Global GAP lớn nhất châu Á tại Việt Nam, hai trang trại theo chuẩn hữu cơ châu Âu.
Mới nhất, Vinamilk cũng đã khởi công xây dựng một tổ hợp "resort" bò sữa organic quy mô lớn tại Lào, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm organic ngày càng cao của người tiêu dùng, không chỉ ở thị trường nội địa mà còn ở thị trường quốc tế.
Trong khi đó, theo ông Trần Quang Trung, chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025 vừa được Chính phủ phê duyệt "phần nào đã nói lên ý nghĩa quan trọng của việc dốc sức nâng cao tầm vóc, sức khỏe, trí tuệ và chất lượng cuộc sống của trẻ em Việt Nam".
Ghi nhận từ Hiệp hội Sữa Việt Nam cho thấy năm 2018, tổng doanh thu của ngành sữa đạt ước 109.000 tỉ đồng, tăng 9% so với năm 2017.
Giai đoạn 2010-2018 tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng doanh thu ngành sữa đạt 12,7%/năm, mức tăng trưởng cao nhất đối với sản phẩm thực phẩm từ chăn nuôi.
Hai nhóm sản phẩm chính quyết định sự tăng trưởng của toàn ngành là sữa nước và sữa bột.
Riêng tổng giá trị của 2 nhóm này đã chiếm gần 3/4 giá trị thị trường, trong đó sản lượng sữa nước đạt xấp xỉ 1,52 tỉ lít, sữa bột khoảng 138.000 tấn trong năm 2018.
Công ty Vinamilk đã phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thuộc Bộ LĐ-TB&XH triển khai chương trình "Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam".
Sau 11 năm, chương trình đã trao tặng gần 35 triệu ly sữa, trị giá tương đương 150 tỉ đồng cho 440.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khắp đất nước, nhằm góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ để các em có cơ hội phát triển bình đẳng và có một tương lai tươi sáng.
Từ năm 2001,Tổ chức Lương - nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã chọn ngày 1-6 hằng năm là "Ngày sữa Thế giới - World Milk Day", nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng của ngành sữa đối với sự phát triển kinh tế bền vững và dinh dưỡng, sức khỏe của nhân loại.
Theo TRẦN VŨ NGHI/ tuoitre.vn