Thịt bò chiếm khoảng 8% tổng lượng thịt tiêu thụ của Việt Nam cho thấy ngành hàng này còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Bữa ăn nhiều thịt heo
Là người nội trợ của gia đình có 4 thành viên, chị Đặng Hoàng Anh (quận 3, TP.HCM) thường mua thực phẩm ở siêu thị và các cửa hàng thực phẩm gần nhà. "Có khoảng một nửa các bữa ăn có thịt heo, khoảng 7 bữa ăn cá nước ngọt và hải sản, còn thịt bò và gà chỉ 2-3 bữa mỗi tháng" - chị Hoàng Anh cho hay lý do vì thói quen và còn do giá thịt bò khá cao.
Không riêng gì chị Hoàng Anh, đa số các hộ gia đình tại Việt Nam vẫn chọn thịt heo làm nguồn cung cấp đạm động vật chính yếu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 8-6, ông Nguyễn Đăng Phú - phó tổng giám đốc Công ty Vissan, TP.HCM - cho biết tỉ lệ thịt tươi sống bán ra của đơn vị không có nhiều thay đổi so với trước khi dịch tả heo châu Phi bùng phát. Theo đó, lượng thịt bò bán ra ở mức 4 tấn/ngày, thịt heo 65 tấn/ngày.
Theo ông Phú, dù một số khách là các trường học chủ động đổi thịt heo sang dùng thịt bò sau khi những thông tin tiêu cực về bệnh dịch tả xuất hiện nhưng mức thay đổi không lớn, hầu như sự "đổi món" chỉ gói gọn trong khách hàng là trường học.
Đại diện một đơn vị bếp ăn tập thể trên địa bàn TP.HCM cho biết sau khi có thông tin dịch tả heo bùng phát, nhiều công ty chuyển sang dùng thịt khác nhưng chủ yếu là thịt gà. "Suất ăn công nghiệp đơn vị cung cấp hiện ở mức 18.000 - 20.000 đồng, nếu chuyển qua thịt bò có thể lên 25.000 - 35.000 đồng, thậm chí cao hơn, vượt qua khả năng của nhiều đơn vị" - vị này khẳng định.
Nhiều siêu thị cũng cho hay giá thịt bò ở xu hướng tăng, trong khi thịt heo lại giảm 20-30% nên được người tiêu dùng thu nhập thấp lựa chọn. Do đó, cơ cấu thịt tươi sống bán ra hiện nay tại nhiều siêu thị như sau: thịt bò 7-8%, thịt heo 65-75%, còn lại là thịt khác. Nhiều người dân cho hay nếu giá thịt bò thấp hơn, họ sẽ mua thịt bò, khi đó tỉ lệ này sẽ thay đổi.
Nguy cơ thiếu thịt heo
Theo ông Gabor Fluit - tổng giám đốc khu vực châu Á thuộc Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Trung Quốc phát hiện dịch tả heo châu Phi trước Việt Nam và giá thịt heo tại nước này tăng phi mã. Với tình hình dịch bệnh tả heo châu Phi tại Việt Nam, khả năng thiếu thịt heo và giá tăng trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2020 là cao. Do đó, Việt Nam cần tính đến những phương án thay thế thịt heo.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết sản lượng thịt gia súc (trâu, bò, cừu, dê) mới chiếm khoảng 8% tổng lượng thịt xẻ của Việt Nam, trong khi thịt heo chiếm đến 70%, tiếp đến là thịt gà (gà ta, gà màu và gà công nghiệp) chiếm 20%. Theo các chuyên gia nông nghiệp, đây là một cơ cấu đặc trưng của một số nước tại châu Á.
Do không có văcxin phòng tránh và thuốc đặc trị, dịch tả heo châu Phi khi mắc phải có nguy cơ gây chết 100% đàn vật nuôi. Cách phòng dịch hiện nay cũng là tiêu hủy toàn bộ đàn heo nếu phát hiện heo nhiễm bệnh. Do đó, nguồn cung thịt heo trong những tháng sắp tới sẽ thiếu hụt so với nhu cầu, giá có thể sẽ tăng.
Tại cuộc họp về chăn nuôi giữa tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Cường - bộ trưởng Bộ NN&PTNT - cho rằng ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ của Việt Nam phát triển không tương xứng với tiềm năng. Nhưng đây cũng có thể là giải pháp cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh trên heo lan rộng.
Chuyển sang nuôi bò
Theo Cục Chăn nuôi, cơ cấu sử dụng thịt của người Việt cũng như Trung Quốc, thịt heo 65-70%, 20-25% gia cầm, còn lại là thịt gia súc khác. Trong khi tỉ lệ này của thế giới thường ngược lại khi thịt heo chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại là gia cầm và gia súc khác. Vì vậy, việc tăng cường phát triển gia súc ăn cỏ là hướng đi hợp lý và tất yếu khi đời sống của người dân tăng lên.
Ông Đàm Văn Hoạt - đại diện Công ty TNHH Chế biến thịt an toàn và dinh dưỡng (Nutri-Meat) tại huyện Củ Chi, TP.HCM - cho hay đang gấp rút hoàn thiện thủ tục và xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp để đưa vào hoạt động đầu năm 2020. Với số vốn đầu tư lên đến 950 tỉ đồng khi đưa vào sử dụng sẽ có công suất giết mổ 50 con bò/giờ, 300 con cừu, dê/giờ cùng kho lạnh 7.000 tấn. Bên cạnh đó là trung tâm chế biến gia cầm công suất 150.000 con mỗi ngày.
Ông Hoạt cho biết việc xây dựng được tiến hành khẩn trương vì các sản phẩm bò, dê, cừu và gà sẽ là nguồn thay thế thịt heo thiếu hụt trong thời gian tới. Nếu không chuẩn bị từ bây giờ sẽ không kịp.
Cũng theo ông Hoạt, nuôi bò thịt và nâng cao tỉ lệ tiêu thụ thịt bò trong bữa ăn hằng ngày là hướng đi hợp lý với ngành chăn nuôi Việt Nam. Nuôi bò tận dụng được nhân công nhàn rỗi, nguồn thức ăn tại địa phương.
"Khi thị trường tiêu thụ thịt bò tăng, nông dân sẽ tích cực nuôi và số lượng sẽ tăng lên rất nhanh. Từ mức 5 triệu con hiện nay có thể tăng lên 10 triệu, thậm chí 15 triệu con trong 10 năm tới" - ông Hoạt khẳng định.
Ông Võ Quan Huy - giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - cho rằng để có ngành chăn nuôi bò phát triển phải có sự thay đổi đồng bộ. Về vĩ mô cần hỗ trợ thay đổi con giống bằng cách nhập nguồn gen giống chất lượng cao về Việt Nam.
Thứ hai là thay đổi về cách chăn nuôi. Ở hộ gia đình chỉ nên chăn nuôi bò sinh sản, một nhà nuôi 10 con thì có cơ hội thoát nghèo. Khi bò lớn lên thì đưa cho các trang trại, công ty mua về vỗ béo. Nên phân khúc thị trường ra để chuyên môn hóa. Với cách nuôi như vậy thì cạnh tranh được với bò nhập khẩu, nhưng không cạnh tranh được với thịt đông lạnh...
Nhưng ông Huy cho rằng cần tránh hô hào nuôi bò thay thế heo mà không có tính toán cụ thể. Phải bắt đầu từ con giống chứ không phải từ con bò nuôi. "Nếu đổ xô nuôi bò, giá bò giống tăng cao không có lợi cho người nuôi" - ông Huy cảnh báo.
* Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT:
Chuyển trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò
Về những cơ chế, chính sách để phát triển đàn bò thịt đáp ứng nhu cầu thay thế thịt heo trong nước, sẽ có những giải pháp phải làm ngay trong năm 2019, còn ở tầm vĩ mô, sẽ có rà soát, điều chỉnh lại định hướng phát triển chăn nuôi tầm nhìn xa hơn.
Ngay trong năm 2019, phải rà soát điều chỉnh theo hướng nâng tỉ trọng của đàn gia súc ăn cỏ lên. Năm 2018 dự kiến tăng tỉ trọng 4% nhưng thực tế năm nay sẽ tăng lên từ 6-7%, không đợi sang các năm tiếp theo.
Trong tháng 10-2019, Bộ NN&PTNT sẽ tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược chăn nuôi. Sẽ có rà soát, điều chỉnh chiến lược chăn nuôi từ 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Hướng tới có thể thâm canh tăng năng suất, phải tận dụng triệt để diện tích các cây nông nghiệp khác có hiệu quả thấp. Thậm chí phải tính tới cả diện tích trồng lúa hiệu quả thấp chuyển dần sang trồng cỏ. Thực tế việc trồng cỏ rất thuận lợi, không có dịch bệnh, không có sâu bệnh.
Đồng thời, phải đa dạng hóa sản phẩm từ con bò, đó là sữa bò, thịt bò, lông da bò... để nâng cao giá trị của con bò lên. Hiện VN đã có nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sữa tươi, vì thế cần khai thác thị trường 1,3 tỉ dân này để cung ứng các sản phẩm sữa sang Trung Quốc.
Cuối cùng, khi đã thực hiện được các cơ chế, chính sách kể trên, tức là đã tăng được năng suất, sản lượng thì mức độ chênh lệch giá giữa thịt bò và thịt heo cũng sẽ giảm xuống, khi đó người tiêu dùng sẽ lựa chọn thịt bò nhiều hơn.
Giá trị dinh dưỡng thịt bò cao hơn
Nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Nguyễn Thị Lâm cho biết mỗi người Việt ăn khoảng 80gr thịt (tính chung các loại)/ngày. Tỉ lệ từng loại thịt chưa có điều tra riêng, nhưng cảm quan bà thấy thịt heo sử dụng nhiều hơn hẳn thịt bò và thịt gia cầm.
Có hai lý do: thứ nhất giá thịt bò cao gấp 2-3 lần so với thịt heo; thứ 2 là khẩu vị người Việt thích thịt heo do đã dùng quen từ nhỏ. Còn về giá trị dinh dưỡng, bà Lâm cho biết thịt bò có một số dưỡng chất cao hơn thịt heo, cụ thể như thành phần acid folic.
L.ANH
Theo tuoitre.vn