Theo ông Masashi Kubo, tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo đã giả mạo bằng chứng về việc tuyên bố trước công chúng vào ngày 17-9 rằng Asanzo đang sở hữu công nghệ Nhật Bản, dựa trên mối hợp tác giữa Asanzo và Sharp-Roxy (Hong Kong).
Theo Sharp Việt Nam, từ ngày 25-9-2016, Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) đã kết thúc việc liên doanh cùng Công ty Điện tử Roxy, và Sharp-Roxy trở thành công ty con 100% vốn sở hữu của Tập đoàn Sharp.
Đến ngày 31-10-2016, Tập đoàn Sharp đã hoàn thành việc đăng ký thay đổi tên công ty, từ Sharp-Roxy (Hong Kong) thành Công ty TNHH Sharp Hong Kong.
Theo Sharp Việt Nam, dựa trên các cột mốc nói trên, việc Sharp-Roxy (Hong Kong) xác nhận theo thư công bố của Asanzo vào ngày 12-9 từ buổi họp báo vừa qua của Asanzo là "không thể xảy ra", nếu không muốn nói là "giả mạo".
Đồng thời, nội dung mà Asanzo đưa ra "Sharp Roxy Hong Kong tuyên bố và khẳng định rằng chúng tôi đang có hợp đồng kinh doanh với Asanzo, bao gồm bán linh kiện điện tử, chuyển giao phần mềm, công nghệ và cách làm, cùng với các dịch vụ liên quan, cho đến bây giờ, hợp đồng vẫn đang có hiệu lực là không đúng sự thật", tổng giám đốc Masashi Kubo nhấn mạnh.
Sharp Việt Nam cũng cho rằng việc giả mạo chứng từ của Asanzo không chỉ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu Sharp được gây dựng hơn 107 năm, "và điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Đồng thời cho biết, Tập đoàn Sharp và Sharp Việt Nam đang tìm hiểu các pháp lý cần thiết để theo đuổi vụ kiện Asanzo trong vai trò bảo vệ thương hiệu Sharp toàn cầu.
Dự kiến ngày 30-8 sẽ có kết luận chính thức về vụ việc này, song cho đến nay các cơ quan chức năng cho biết vẫn đang phối hợp điều tra, làm rõ các nghi vấn liên quan đến Asanzo mà báo Tuổi Trẻ đặt ra trong loạt bài điều tra thực hiện vào tháng 6.
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 5-9, Tổng cục Hải quan nêu rõ mối quan hệ giữa Công ty CP Tập đoàn Asanzo với các công ty có chữ "Asanzo": từ ngày 1-1-2017 đến 30-6-2019, Công ty CP Tập đoàn Asanzo có quan hệ mua hàng với 58 công ty, trong đó có 9 công ty mang tên Asanzo.
Kết quả, Tổng cục Hải quan đã xác định được 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với Công ty CP Tập đoàn Asanzo; trong đó, 14 công ty bỏ trốn, 4 công ty không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh, 7 công ty ngừng hoạt động, 1 công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và 32 công ty còn lại đang hoạt động.
Theo thực tế kiểm tra, xác minh, hải quan kết luận nhiều công ty treo biển nhưng không hoạt động, địa chỉ đăng ký kinh doanh không có thật. Một số công ty đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng trên cổng thông tin chưa cập nhật thông tin. Có tình trạng qua xác minh chủ nhà khai không cho công ty thuê làm trụ sở nhưng trên giấy phép đăng ký kinh doanh vẫn khai địa chỉ của họ.
Theo đó, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ảnh về nội dung trên, trong đó chỉ ra một số dấu hiệu vi phạm và kiến nghị các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.