Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Văn phòng Chính phủ thuê lại dịch vụ từ 2 DNNN và một DN tư nhân
Bộ trưởng cho biết tháng 6-2019 sẽ khai trương hệ thống eCabinet - chính phủ không giấy tờ, hiện Văn phòng Chính phủ đã thực hiện văn phòng không giấy tờ. Hiện đang tập huấn cho thư ký Thủ tướng, thư ký phó thủ tướng và sẽ tập huấn cho các bộ trưởng.
Việc chuyển toàn bộ văn bản giấy sang văn bản điện tử để minh bạch, tiết kiệm, và tiện lợi cho người dân. Ước tính việc chuyển hoàn toàn sang sử dụng văn bản điện tử tiết kiệm khoảng 1.200 tỉ đồng/năm tiền giấy in, bưu phẩm, chuyển phát.
Bộ trưởng cho biết thêm tháng 11 tới sẽ khai trương cổng dịch vụ công quốc gia, thực hiện một số dịch vụ công trực tuyến. Tinh thần những gì làm được sẽ phân cấp mạnh cho địa phương nhưng phải bảo đảm an toàn thông tin. Có những việc sẽ chuyển giao ngay cho bộ, ngành, địa phương.
Việc vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến sẽ không để người dân tiếp cận cán bộ công vụ, xóa bỏ nhũng nhiễu, tiêu cực.
Văn phòng Chính phủ không lấy tiền ngân sách để xây dựng chính phủ điện tử mà thuê lại dịch vụ từ các 3 doanh nghiệp VNPT, Viettel và FPT để thực hiện nhiệm vụ cung cấp hạ tầng gửi nhận văn bản điện tử.
Về bảo đảm tính an toàn, bảo mật của hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia, bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: "Anh nào được thuê cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm về tính an toàn, mất dữ liệu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Theo ông Ngô Hải Phan, cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ, đến nay 100% bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã kết nối liên thông và gửi nhận văn bản điện tử với trục liên thông văn bản quốc gia.
Một số bộ ngành như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Xây dựng, Thông tin và truyền thông và một số địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh, Khánh Hòa đã tích cực gửi nhận văn bản trên trục liên thông văn bản quốc gia.