Qua 8 năm thực hiện Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp, Bộ Nội vụ phát hiện có việc yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải thưởng nộp một khoản kinh phí nhất định để đảm bảo việc đạt giải thưởng, thực chất là “bán” giải thưởng, tổ chức bình xét chưa bám sát các tiêu chí đề ra, không đảm bảo tính khách quan và chính xác nên đề xuất bổ sung quy định siết chặt.
Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 51/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp của Bộ Nội vụ gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định cho thấy, 8 năm qua đã có 23 bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ 48 giải thưởng ở phạm vi toàn quốc.
Trong đó có 30 giải thưởng được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức (riêng giải thưởng Du lịch Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức hàng năm, không qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) và 18 giải thưởng không được Thủ tướng đồng ý cho phép tổ chức.
Các bộ, ngành, đoàn thể trung ương đã tổ chức gần 60 lượt xét tặng danh hiệu, giải thưởng ở phạm vi toàn quốc và tôn vinh khoảng 6.000 doanh nghiệp, doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế trong cả nước.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức 33 giải thưởng ở phạm vi cấp tỉnh, thành phố với gần 100 lượt tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cấp tỉnh và tôn vinh hơn 4.000 lượt doanh nghiệp, doanh nhân.
Trong các giải thưởng phạm vi toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức có 11 giải thưởng được phép tổ chức lần thứ 2 và 5 giải thưởng được phép tổ chức lần thứ 3.
Các đơn vị được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tổ chức nhiều giải thưởng ở phạm vi toàn quốc gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (5 giải thưởng), Bộ Công thương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (4 giải thưởng), Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (3 giải thưởng).
“Bán” giải thưởng cho doanh nghiệp
Bộ Nội vụ cho rằng, việc tổ chức tôn vinh, trao giải thưởng cho các doanh nghiệp, doanh nhân chủ yếu được thực hiện vào dịp kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10) và các ngày lễ, ngày kỷ niệm của bộ, ngành, địa phương. Công tác tổ chức nhìn chung được thực hiện trang trọng, đúng nghi thức. Các doanh nghiệp, doanh nhân được trao tặng giải thưởng phần lớn có thành tích tiêu biểu, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động…
Tuy nhiên, tổng kết của Bộ Nội vụ cho thấy một số bộ, ngành, đoàn thể chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật khi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức các giải thưởng phạm vi toàn quốc: Hồ sơ, đề án tổ chức sơ sài, không đầy đủ các nội dung theo quy định, tiêu chí xét duyệt giải thưởng còn chung chung, chưa bám sát nội dung, mục đích, ý nghĩa của giải thưởng.
“Vì vậy, đã có 18 giải thưởng do các bộ, ngành, đoàn thể trung ương đề nghị nhưng không được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức. Một số giải thưởng tuy đã được Thủ tướng đồng ý cho phép tổ chức nhưng trong quá trình tổ chức chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tổ chức bình xét chưa bám sát các tiêu chí đã đề ra, không đảm bảo tính khách quan và chính xác, dẫn đến một số doanh nghiệp, doanh nhân được tôn vinh, biểu dương, nhưng thành tích chưa tiêu biểu xuất sắc”- Bộ Nội vụ cho hay.
Cá biệt đối với giải thưởng “Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác” (năm 2014), sau khi được cho phép tổ chức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có quyết định giao cho đơn vị trực thuộc tổ chức không đúng thẩm quyền, có những sai phạm trong tuyên truyền, quảng bá và huy động kinh phí, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo dừng tổ chức giải thưởng.
Một số giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, do các cơ quan, đơn vị không có thẩm quyền tổ chức ở nước ngoài khi không được sự đồng ý của chính quyền nước sở tại. Đặc biệt là yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải thưởng nộp một khoản kinh phí nhất định để đảm bảo việc đạt giải thưởng, thực chất là việc “bán” giải thưởng, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam với bạn bè quốc tế, gây bức xúc cho chính các doanh nghiệp, doanh nhân đạt giải và dư luận không tốt trong xã hội, như: Giải thưởng “Top 100 doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc”, “Top 100 nhà quản lý tài đức” do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn tổ chức tại Lào năm 2013, 2014 (Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo thực hiện đúng quy định và dừng việc tổ chức giải thưởng).
Báo cáo của Bộ Nội vụ còn cho thấy một số doanh nghiệp, doanh nhân thành tích không tiêu biểu xuất sắc, mới thành lập, quy mô nhỏ, sản xuất kinh doanh không hiệu quả nhưng cố tình tham gia các giải thưởng được tổ chức không đúng quy định để lừa dối người tiêu dùng. Điển hình như Công ty TNHH Vinaca sản xuất thuốc chống ung thư giả đạt top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong chương trình tôn vinh thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam do Viện Công nghệ chống làm giả và Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu tổ chức.
Một số doanh nghiệp, doanh nhân tham gia các giải thưởng nhưng thiếu thông tin, không tìm hiểu kỹ về mục đích, nội dung, quy mô và tính hợp pháp của các giải thưởng, dẫn đến những thiệt hại về vật chất và tinh thần khi tham dự và nhận danh hiệu của các giải thưởng tổ chức không đúng quy định.
Doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải thưởng phải không bị khiếu nại, tố cáo
Để giải quyết thực trạng trên, Bộ Nội vụ khẳng định việc sớm sửa đổi Quyết định số 51/2010 rất cần thiết. Trong đó bổ sung quy định về điều kiện tham dự danh hiệu, giải thưởng của doanh nhân theo hướng cụ thể, rõ ràng, gắn thành tích của cá nhân với hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và năng lực điều hành, quản lý doanh nghiệp của doanh nhân.
Trong đó, điều kiện tham gia danh hiệu, giải thưởng của doanh nghiệp là phải có Báo cáo tài chính (đối với doanh nghiệp không thuộc đối tượng bắt buộc phải kiểm toán); không bị khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, đình công, ngừng việc tập thể có tính chất nghiêm trọng ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín, lợi ích của doanh nghiệp...
Cơ quan này cũng đề nghị quy định “mỗi cơ quan, đơn vị tổ chức tối đa 2 giải thưởng hoặc danh hiệu phạm vi toàn quốc” để phát huy vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp đối với việc động viên, khuyến khích các hội viên là doanh nhân, doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, có nhiều đóng góp cho xã hội, góp phần phát triển kinh tế.
Đối với các doanh nghiệp, doanh nhân có hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc đầu tư ra nước ngoài, việc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh được thực hiện ở nước ngoài và phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Vì vậy, Bộ Nội vụ cho rằng rất khó khăn trong việc xác định hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như việc chấp hành pháp luật của họ.
Mặt khác, thời gian trước đây, có danh hiệu, giải thưởng do đơn vị không có thẩm quyền tổ chức ở nước ngoài khi không được sự đồng ý của chính quyền nước sở tại, vi phạm các quy định của pháp luật, gây bức xúc cho doanh nghiệp, doanh nhân đạt giải và tạo dư luận không tốt trong và ngoài nước. Vì vậy, đơn vị soạn thảo đề nghị không quy định đối tượng xét tặng danh hiệu, giải thưởng là doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, có hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời có hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định, thì vẫn thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị định này.
Thời gian hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân khi tham gia xét giải thưởng cấp toàn quốc là 5 năm, giải thưởng cấp tỉnh 3 năm.
Dân trí/ Thế Kha