Theo đó, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ đưa ra quyết định về việc có nên áp Trung Quốc với nhiều mức thuế hơn sau khi gặp gỡ người lãnh đạo đồng cấp Trung Quốc vào cuối tháng này tại Nhật Bản.
Đó là lời của ông Mnuchin nói với CNBC vào hôm qua (9/6) rằng nhà lãnh đạo Mỹ sẽ cố gắng xác định liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có sẵn sàng hướng tới một giải pháp hợp lý để định hình lại mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới hay không.
“Chúng tôi cần phải xem hành động, và Tổng thống Trump cần phải chắc chắn rằng ông Tập đang đi đúng hướng đến một thỏa thuận. Tổng thống sẽ đưa ra quyết định sau cuộc gặp gỡ này”, ông Mnuchin nói với CNBC.
Trước đây, ông Trump cũng đã chỉ ra rằng ông dự kiến sẽ lên kế hoạch cho các động thái chiến tranh thương mại tiếp theo của mình sau cuộc họp G-20.
“Nếu Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận, chúng tôi cũng sẽ thực hiện các điều khoản mà chúng tôi đã đề ra. Nếu Trung Quốc không muốn đạt được thỏa thuận, Tổng thống Trump sẽ hoàn toàn hạnh phúc khi áp thuế quan để cân bằng lại mối quan hệ”, ông Mnuchin khẳng định.
“Chúng tôi đã ngừng đàm phán”
Theo Reuters, các quan chức Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng hành động này là để đáp trả việc Trung Quốc cố gắng đàm phán lại các phần của thỏa thuận mà họ đã đồng ý trước đó và triển vọng về thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 325 tỷ USD dự kiến sẽ áp dụng. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận thông tin này.
“Cả 2 nước đã đạt được tiến bộ to lớn, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có một thỏa thuận được thực hiện gần 90%. Nhưng Trung Quốc lại muốn đàm phán lại về một số điều nhất định, cho nên chúng tôi đã ngừng đàm phán”, ông Mnuchin nói.
Do đó, theo Bộ trưởng Tài chính, diễn biến sẽ tùy thuộc vào quyết định của ông Trump về việc khi nào ông và ông Tập sẽ gặp nhau tại Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng này.
“Tôi tin rằng nếu Trung Quốc sẵn sàng thực hiện các điều khoản mà chúng tôi đang thảo luận, 2 nước sẽ đạt được một thỏa thuận. Nếu không, chúng tôi sẽ tiến hành áp dụng thuế quan”, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ nói thêm.
Những vấn đề nhức nhối
Theo CNBC, ông Mnuchin còn cân nhắc về một số đối tượng đang cố gắng chia rẽ Mỹ và Trung Quốc khỏi việc đạt được một thỏa thuận.
“Trong thỏa thuận đàm phán của chúng tôi, một trong những phần quan trọng luôn là về các hàng rào phi thuế quan, là về chuyển giao công nghệ bắt buộc. Đây là những vấn đề rất quan trọng đối với chúng tôi và rất quan trọng đối với bất kỳ thỏa thuận nào. Đây là những vấn đề mà chúng tôi đã đạt được rất nhiều tiến bộ, và trong bất kỳ thỏa thuận nào, chắc chắn đều bao gồm điều khoản này”, ông Mnuchin nói.
Các quan chức và doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã lập luận rằng các quy tắc chính thức và không chính thức của Trung Quốc luôn đưa các công ty không phải của Trung Quốc vào thế bất lợi kkhi kinh doanh ở nước này. Một trong những ví dụ được trích dẫn thường xuyên nhất là chế độ bắt ép chuyển giao công nghệ, trong đó các công ty nước ngoài bị ép buộc chia sẻ công nghệ tiên tiến và bí quyết của họ với các tổ chức Trung Quốc để đổi lấy việc tiếp cận thị trường.
Theo dantri.com.vn