Phóng viên Dân Trí có cuộc trao đổi ngắn với TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn về thực trạng phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam trong năm 2018.
Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vượt mức kỷ lục 40 tỷ USD? Ông có bình luận và gợi mở gì về con số này?
- Thành công này bên cạnh việc mưa thuận gió hòa, được mùa được giá, thị trường trong nước và thế giới khởi sắc, còn là minh chứng cho thành công của tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn thẳng ngành nông nghiệp đang đứng trước hai con đường. Một là dễ rơi vào vòng luẩn quẩn nếu tiếp tục chạy theo giá thấp. Hai là chạy theo số lượng mà quên đi giá trị. Nông nghiệp vượt qua kỷ lục nọ, kỷ lục kia nhưng giá trị thu về rất thấp.
Nếu hàm lượng công nghệ, chế biến sâu ít, tức là ngành nông nghiệp đang xuất khẩu đất, nước, lao động. Chúng ta đã cạn kiệt tài nguyên vì xuất hết than, quặng... giờ còn xuất lao động, nước, đất đi đâu.
Tình trạng được mùa mất giá vẫn tiếp diễn, gần đây nhất là câu chuyện trái cây có múi như sầu riêng, bưởi da xanh mất giá. Theo ông, nguyên nhân vì sao, có cách gì để chấm dứt tình trạng này?
- Thị trường chỉ lành mạnh khi cân đối với cung cấp. Sở dĩ chúng ta phải "giải cứu" nông sản vì cung cầu không cân đối. Việt Nam đi từ giai đoạn thiếu cung khủng khiếp, đói kém, sang giai đoạn thừa cung khủng khiếp.
Được mùa mất giá xảy ra là do tình trạng đứt gẫy giữa cung và cầu. Cung là nguồn sản xuất trong nước, cầu cả trong nước và ngoài nước.
Khâu quan trọng nhất là khâu thông tin, chúng ta phải lấy cầu làm gốc, có người cần mặt hàng và chất lượng thế nào thì người sản xuất làm mức độ đó. Tuy nhiên hiện nay mình không có. Người nông dân thấy cái gì mình làm được thì làm, thấy ông hàng xóm bán được thì làm.
Vậy, theo ông chúng ta đang chỉ lo làm chứ chưa lo bán ở đâu và thụ động trong đầu ra? Chúng ta sẽ phải giải bài toán thông tin thị trường như nào cho người dân, cho đất nước?
- Đúng, người sản xuất Việt Nam giống như như người lái xe nhưng không thấy đường. Nông dân ra trận như người lính trinh sát không có bản đồ, con tàu đi trên đại dương không có la bàn.
Cung cấp thông tin về thị trường là trách nhiệm mà Nhà nước phải làm nhưng hiện nay chúng ta chỉ lo tưới tiêu, làm thủy lợi, đối phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, phân, thuốc trừ sâu, giống, kỷ thuật....
Cách quản lý này là cách quản lý mấy trăm năm trước, như ngày xưa quan huyện đi trên đê giám sát để tránh lo vỡ đê vào mùa mưa bão. Lúc nào, chúng ta cũng lo sản xuất nhưng không ai lo phần tiêu thụ. Nông dân không biết đường, đa số các Cục, Vụ, Viện, Trường đều lo phần sản xuất.
Khi xuống ruộng, mọi người đều nói nói nuôi con nọ trồng cây kia để tăng trưởng GDP chứ không nói tới bán hàng, chú ý tới xuất khẩu về số lượng chứ không lo tới giá bán. Vì vậy, dẫn tới câu chuyện thừa cung. Và tình trạng được mùa, mất giá thường xuyên xảy ra.
Hiện nay, dịch vụ công về thị trường không ai cung cấp, thương lái cung cấp thông tin cho người nông dân. Thế nên mới có chuyện, thương lái Trung Quốc bảo trồng cây gì người nông dân trồng cây đó, chặt dễ cây cũng chặt.
Gần đây, chúng ta đã nói tới câu chuyện quy hoạch vùng trồng. Tuy nhiên, quy hoạch sẽ không chính xác nếu người làm quy hoạch không biết gì về nông nghiệp. Ông cha ta từng có câu "một người lo bằng một kho người làm".
Việt Nam có rất nhiều nông, thủy sản có giá trị, nhưng thương hiệu ra nước ngoài hạn chế, nhiều báo cáo đưa ra là nông sản Việt muốn ra được nước ngoài phải đi nhờ bằng thương hiệu ngoại, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Thị trường gắn kết với câu chuyện thương hiệu hay nói cách khác là có thương hiệu bài toán đầu ra cho nông sản.
Về câu chuyện thương hiệu, mọi người hay nói tới dùng công nghệ để truy xuất nguồn gốc. Hoặc nói tới tuyên truyền, quảng bá, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, với tôi câu chuyện thương hiệu quan trọng nhất là xây dựng thể chế. Chuỗi giá trị không gắn với một công đoạn riêng nào, có thể sản xuất sản phẩm lúa gạo rất tốt nhưng đưa lên nơi tiêu thụ, người bán hàng trộn gạo khác vào thì thương hiệu bỏ đi.
Ngược lại, có thể quảng bá sản phẩm tốt nhưng sản xuất không tốt thì chẳng ai mua. Mọi người không nghĩ tới câu chuyện gắn bó với nhau.
Chừng nào nông dân làm một ruộng để ăn, một ruộng để bán đi. Chừng nào ông bán hàng ở siêu thị thì tốt còn bán ở chợ cóc, chợ dân sinh thì thờ ơ lừa người dùng, chúng ta sẽ không bao giờ có thương hiệu. Chúng ta phải học cách tin tưởng, sống cùng và phối hợp với nhau trong chuỗi giá trị.
Xin Trân trọng cảm ơn ông!
Theo dantri.com.vn/Nguyễn Tuyền (Ghi)