Khắp nơi trên thế giới, những quán phở đậm nét quê hương không chỉ phục vụ đồng hương mà còn góp phần quảng bá ẩm thực VN.
Quảng bá hương vị quê hương
Đa số người Việt khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực ở nước ngoài đều có chung ý tưởng là gìn giữ hương vị món ăn truyền thống. “Sau 9 năm học ở Hàn Quốc, tôi trở về quê hương tìm kiếm tài liệu và học hỏi nhiều đầu bếp khác để đưa ra công thức ngon nhất đảm bảo người Việt cũng mê mà dân bản xứ khó cưỡng lại”, anh Đoàn Ngọc Quang, chủ nhân chuỗi nhà hàng Alaghi ở Seoul, chia sẻ với Thanh Niên. Anh Quang đã nghiên cứu kỹ lưỡng cách chế biến cùng nguồn nguyên liệu để đảm bảo giữ đúng hương vị phở Việt với một mức độ đậm đà vừa phải, không quá gắt mùi, nhưng không nhợt nhạt. “Ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn trong lúc tìm kiếm nguyên liệu để nấu như quế - hồi - thảo quả, nhưng hiện đã có nguồn cung cấp ổn định”, anh cho biết thêm.
Tương tự, anh Nguyễn Hùng Cường, chủ quán Phở Flinders Express ở Melbourne (Úc), nói: “Người Việt mình thích ăn phở đậm đà hơn trong khi người bản địa có khẩu vị hơi khác. Họ không thích quá đậm mùi, bột ngọt và rau kèm theo. Vì thế, tôi điều chỉnh công thức một chút nhưng phải đảm bảo không đánh mất hương vị truyền thống”.
Bên cạnh món phở đặc trưng, một số nhà hàng mang đến cả cung cách phục vụ chu đáo kèm những món ăn, thức uống đậm chất Việt khác như bún chả, bún bò Huế, bánh xèo, cơm sườn và bún thịt nướng. “Ngay khi thực khách ngồi vào bàn, không cần phải gọi, tiếp viên lập tức mang đến thực đơn cùng ly trà đá và khăn lạnh... Trẻ em thì cực kỳ mê phở. Tôi thường chứng kiến chúng cùng nhiều thực khách xì xụp, nhai nhóp nhép từng sợi phở và thậm chí húp đến giọt nước lèo cuối cùng”, nữ phóng viên Beth Giuffre của tờ The New Times mô tả về nhà hàng Phở 4 U ở thành phố Atascadero (bang California). Sau lần viết bài đánh giá đầu tiên với quá nhiều ấn tượng, bà Giuffre và chồng giờ đây là khách hàng thân thuộc mỗi cuối tuần.
Những “đại sứ văn hóa”
Ngoài mục tiêu kinh doanh, chủ nhà hàng phở khắp nơi trên thế giới còn nỗ lực trở thành những “đại sứ văn hóa” giới thiệu về đất nước và con người VN. Điểm chung trong cách trang trí nhà hàng là không gian ấm cúng cùng nhiều hình ảnh đặc trưng của quê nhà. “Tôi trang trí lồng đèn, ảnh danh lam thắng cảnh vùng miền tương ứng với các món ăn trong thực đơn”, anh Quang cho hay. Anh thường xuyên có mặt tại nhà hàng cùng nhân viên tiếp đón và trò chuyện với khách. “Thực khách Hàn Quốc rất tò mò và muốn được biết nhiều hơn về đất nước chúng ta. Chẳng hạn, họ hỏi ruộng lúa Sa Pa khi nào mới chín vàng, mùa nào mưa nhiều và nắng nhiều, rồi đến Đà Lạt thì nên đi những đâu. Một số người chuẩn bị đến VN là họ đến quán khoe với tôi”, anh kể. Riêng nhà hàng Phở 4 U thì có cả hồ hoa sen thu nhỏ chạy dọc quanh bên ngoài. “Chủ nhân là người gốc ở Sài Gòn mở nhà hàng này hồi tháng 10.2018, lần đầu tiên mang món phở mà người Mỹ yêu thích và cả văn hóa Việt đến với Atascadero”, Giám đốc điều hành Phở 4 U, Trung Trần cho hay.
Trước đây, nhà hàng phở thường hiện diện tại những nơi tập trung đông người Việt, nhưng nay mở rộng sang cả các khu vực chỉ có dân bản xứ. “Tôi muốn chọn mặt bằng tại nơi không có nhiều người Việt sinh sống với mục tiêu giới thiệu món ăn truyền thống đến nhiều người dân bản địa hơn. Đó là lý do Phở Flinders Express nằm ngay tại khu vực ga tàu trung tâm của Melbourne”, theo anh Cường. Thậm chí, tại một khu vực xa xôi hẻo lánh ở thành phố Tehachapi (bang California), Phở Blue Ginger là nhà hàng Việt đầu tiên có mặt tại vùng nông thôn sát sa mạc Mojave rộng lớn và khắc nghiệt nhưng luôn được người dân địa phương ủng hộ nhiệt tình.
Tất nhiên để có những nhà hàng góp phần quảng bá hương vị quê hương, hành trình khởi nghiệp ban đầu gặp nhiều khó khăn. “Hồi năm 2013, tôi vẫn còn là sinh viên với hai bàn tay trắng nên phải đi vay mượn tiền khắp nơi, nhưng quyết tâm làm cho bằng được và cuối cùng khánh thành Phở Flinders Express. Đến nay hoạt động kinh doanh ổn định”, anh Cường chia sẻ. Còn theo anh Quang: “Ở VN thì bạn bè, người thân có thể hỗ trợ. Tuy nhiên, tại Hàn Quốc, tôi và vợ cùng con nhỏ tự thân vận động tất cả mọi thứ từ thiết kế, thi công mặt bằng cho đến tìm nguồn nguyên liệu và xin giấy phép kinh doanh”. Sau gần 1 năm khai trương, Alaghi hiện có 2 chi nhánh và anh Quang lên kế hoạch mở rộng bằng cách nhượng quyền nhưng khẳng định chỉ chọn đối tác có tâm, chú trọng gìn giữ hương vị phở hơn là lợi nhuận.
Thanh niên/ P.V