1. Củ cải đỏ khắc chữ
Nếu những năm trước, các loại củ cải đỏ vào chậu chưng Tết thì năm nay xuất hiện thêm loại củ cải đỏ khắc chữ. Chủ nhân của vườn củ cải trên là anh Nguyễn Tuấn Tú ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Theo anh Tú, củ cải vì mang lại ý nghĩa tài lộc, "rước của cải về nhà" nên rất phù hợp với chưng Tết. Màu đỏ đem lại sự may mắn, màu xanh thì hi vọng. Khắc thêm chữ lên thân củ để tăng thêm ý nghĩa tài - lộc - phát cho gia chủ trong năm mới.
Ngoài khắc chữ, anh Tú còn tạo dáng củ cải theo kiểu đứng, nằm, cao, thấp và lên chậu sứ để tạo sự bắt mắt cho chúng. Khoảng 1.200 củ cải hồng phát đã được vào chậu với giá 200.000-300.000 đồng một củ tùy kích cỡ.
2. Đu đủ bonsai
Cũng mang lại phong thủy tốt và may mắn dịp Tết, đu đủ bonsai, được nhiều người lựa chọn làm cây cảnh chưng Tết trong năm nay.
Là người trồng cây đu đủ bonsai trong chậu, anh Chính ở Hưng Yên năm nay cung ứng ra thị trường khoảng 50 chậu. Theo anh Chính, sở dĩ loại này được chọn chưng Tết là vì theo quan niệm của người xưa, đu đủ thể hiện cuộc sống đủ đầy, no ấm.
Để cây đu đủ bonsai có thể phát triển tốt trong chậu, nhiều quả và to tròn, anh Chính phải trồng bằng loại đất thịt ải hoặc đất mới chưa qua gieo trồng cây phát triển tốt. Song song đó, khi chúng phát triển anh bắt đầu tạo tán, thế cho chúng. Mỗi chậu cảnh này có thể làm cảnh được 7 tháng đến một năm. Giá mỗi chậu dao động 2-20 triệu đồng.
3. Quất hồ lô
Nếu bưởi, dừa hồ lô khá đắt khách thì năm nay thị trường xuất hiện thêm chậu cảnh quất hồ lô, cao khoảng 30-70cm.
Hiện các sản phẩm này do chủ vườn ở thôn Phú Trạch, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang trồng và cung ứng ra thị trường. Để tạo được hồ lô các nghệ nhân phải thắt dây lên quả từ khi còn nhỏ. Khi buộc dây cho quất chỉ làm khi quả khô ráo để vòng dây giữ được cố định trên quả, không bị tuột. Ngoài ra, người trồng làm cẩn thận để tránh trầy xước hư hỏng. Thông thường, quất hồ lô phải mất 2 năm chăm sóc mới có thể thu hoạch.
Nhiều chủ vườn quất cho biết, những gốc quất hồ lô đều đã được thương lái đặt cọc mua cả vườn để bán lại cho người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Giá quất hồ lô tại vườn đổ buôn từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng một chậu. Giá bán lẻ có thể đắt gấp vài lần.
4. Cà chua tí hon
Với màu sắc bắt mắt, cà chua bi trĩu quả được người nhà vườn ở Đà Lạt cho vào chậu cảnh dịp Tết năm nay.
Theo các nhà vườn ở Đà Lạt, năm nay, số lượng cung ứng ra thị trường khoảng 500 chậu với gần chục loại cà chua tí hon như, chua đen, cà chua socola, cherry đỏ, cà chua trái tim, cà chua lê vàng, cà chua bi Hà Lan.... Mỗi chậu có giá dao động 200.000-700.000 đồng.
Anh Hạnh, chủ một trang trại ở làng hoa Đa Thiện cho biết, sở dĩ anh trồng cà chua tí hon trong chậu để chưng Tết là vì chúng có màu sắc rực rỡ, trái sum suê cho thấy sự no ấm nên để chậu trang trí nhà ngày Tết rất có ý nghĩa. Ngoài ra, loại này còn có thể ăn được sau Tết. Năm nay anh cung ứng ra thị trường khoảng 150 chậu nhưng 70% đã được.
5. Dưa pepino
Là loại dưa được nhập khẩu giống từ Nam Mỹ, từng được săn lùng khi mới về Việt Nam. Tuy nhiên, loại dưa này chưa được trồng đại trà nên số lượng cung ứng ra thị trường không nhiều.
Năm nay, để phục vụ nhu cầu chưng Tết, nhiều hộ dân ở Đà Lạt cũng cung ứng ra thị trường vài trăm chậu với giá khoảng 150.000 đồng một chậu. Theo một số nhà vườn hiện lượng đặt cũng đã lên tới 80%, 26 âm lịch sẽ vận chuyển hết cho khách. Giống dưa này có quả hình oval, trọng lượng khoảng 200-300g, vỏ màu vàng kem sọc tím hoặc tím sọc đen, vị ngọt thanh và thơm như dưa lưới, dưa lê.
Theo vnexpress.net/Hồng Châu