Washington, D.C., ngày 17/03/2020—Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thế giới và IFC vừa phê duyệt gói hỗ trợ nhanh 14 tỷ USD để giúp các công ty và các quốc gia đang nỗ lực ngăn chặn, ứng phó và kiểm soát sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19. Gói hỗ trợ sẽ giúp tăng cường các hệ thống ứng phó y tế công cộng, bao gồm kiểm soát dịch bệnh, chẩn đoán và điều trị, và hỗ trợ khu vực tư nhân.
IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, sẽ tăng gói hỗ trợ lên tới 8 tỷ USD từ mức 6 tỷ USD theo đề xuất ban đầu để hỗ trợ các công ty tư nhân và người lao động khắc phục đợt suy thoái kinh tế do tình trạng lây lan nhanh chóng của COVID-19.
IFC sẽ tài trợ cho các ngân hàng đang là khách hàng của IFC, giúp các ngân hàng này có thể tiếp tục cung cấp tài trợ thương mại, hỗ trợ vốn lưu động và cho vay trung hạn cho các công ty tư nhân đang gặp khó khăn do tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng. Trong gói hỗ trợ này, IFC sẽ giúp những khách hàng thuộc các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch - như du lịch và sản xuất - duy trì khả năng chi trả của họ. Gói hỗ trợ cũng dành cho các ngành liên quan đến hoạt động ứng phó với dịch bệnh, bao gồm y tế và các ngành có liên quan, là những ngành đang phải đối mặt với nhu cầu tăng cao về dịch vụ, thiết bị y tế và dược phẩm.
“Điều quan trọng là chúng ta rút ngắn được thời gian phục hồi. Gói tài trợ này hỗ trợ khẩn cấp các doanh nghiệp và người lao động giảm thiểu các tác động kinh tế - tài chính của dịch COVID-19,” Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới David Malpass phát biểu. “Nhóm Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ ứng phó nhanh và linh hoạt dựa trên nhu cầu cứu trợ của các nước đang phát triển. Các hoạt động hỗ trợ đã đang diễn ra, và các công cụ tài trợ mở rộng được phê duyệt ngày hôm nay sẽ giúp duy trì các nền kinh tế, các doanh nghiệp và việc làm.”
2 tỷ USD được bổ sung vào gói tài trợ ban đầu được thông báo vào ngày 3 tháng 3, trong đó bao gồm 6 tỷ USD của Ngân hàng Thế giới để củng cố các hệ thống y tế và kiểm soát dịch bệnh và 6 tỷ USD của IFC như là phao cứu sinh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, là những doanh nghiệp dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc kinh tế.
“Đại dịch này không chỉ lấy đi nhiều mạng sống, mà tác động của nó đối với các nền kinh tế và mức sống có thể còn kéo dài rất lâu sau giai đoạn khẩn cấp về y tế. Với việc bảo đảm để khách hàng của chúng tôi duy trì được hoạt động trong giai đoạn này, chúng tôi hy vọng khu vực tư nhân ở các nước đang phát triển sẽ có điều kiện tốt hơn để giúp các nền kinh tế phục hồi nhanh chóng hơn”, ông Philippe Le Houérou, Tổng Giám đốc IFC cho biết. “Nhờ đó, các nhóm dễ bị tổn thương sẽ nhanh chóng phục hồi được sinh kế và tiếp tục đầu tư trong tương lai.”
Từng huy động vốn một cách nhanh chóng tại thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và dịch Ebola ở Tây Phi, IFC đã thành công trong việc thực hiện các sáng kiến hỗ trợ để giải quyết những cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực cản trở hoạt động của khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển.
Gói hỗ trợ IFC có bốn hợp phần:
- 2 tỷ USD cho Gói Hỗ trợ Khủng hoảng Khối Ngành Sản xuất - Hàng hóa, dùng để hỗ trợ các khách hàng trong lĩnh vực hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ, là những ngành dễ bị tổn thương trước đại dịch. IFC sẽ cung cấp khoản vay cho các công ty có nhu cầu, và nếu cần thiết, thực hiện đầu tư vốn. Công cụ này cũng sẽ giúp các công ty trong lĩnh vực y tế, là lĩnh vực đang có nhu cầu gia tăng.
- 2 tỷ USD cho Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu hiện tại, giúp giảm nhẹ rủi ro thanh toán của các định chế tài chính để các tổ chức này có thể cung cấp tài trợ thương mại cho các công ty nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa. IFC hy vọng gói hỗ trợ này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
- 2 tỷ USD cho Chương trình Giải pháp Vốn Lưu động, sẽ cấp vốn để các ngân hàng ở các thị trường mới nổi mở rộng cho vay nhằm giúp các doanh nghiệp duy trì vốn lưu động, nguồn vốn mà các công ty sử dụng để chi trả các khoản đến hạn và trả lương cho người lao động.
- Một cấu phần mới được triển khai theo yêu cầu của các quốc gia và đã được phê duyệt ngày 17/03: 2 tỷ USD cho Chương trình Thanh khoản Thương mại Toàn cầu và Chương trình Tài trợ Hàng hóa Thiết yếu, cả hai chương trình đều hỗ trợ chia sẻ rủi ro với các ngân hàng trong nước để các ngân hàng có thể tiếp tục tài trợ cho doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi.
IFC đã bắt đầu tiến hành triển khai gói hỗ trợ này. Chẳng hạn, chúng tôi mới tăng hạn mức tài trợ thương mại cho bốn ngân hàng tại Việt Nam lên 294 triệu USD để những ngân hàng này có thể tiếp tục tài trợ các công ty có nhu cầu, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
IFC sẽ duy trì tiêu chuẩn cao về trách nhiệm giải trình, trên cơ sở lưu ý đến sự cần thiết phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất. Ban giám đốc IFC sẽ phê duyệt các dự án dựa trên tiêu chí về tín dụng, quản trị môi trường và xã hội, và tiêu chí tuân thủ, như đã áp dụng trong các gói hỗ trợ khẩn cấp trong quá khứ.
Về IFC
IFC - tổ chức đồng cấp với Ngân hàng Thế giới và là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - là định chế phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Chúng tôi hỗ trợ hơn 2,000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình, để tạo ra thị trường và cơ hội phát triển ở những nơi cần nhất. Trong năm tài chính 2019, tổng đầu tư dài hạn của chúng tôi tại các nước đang phát triển đạt trên 19 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung.
Để biết thêm thông tin chi tiết, xin truy cập www.ifc.org.
Liên hệ:
IFC: Pierre Mejlak, (202) 458-2278, pmejlak@ifc.org
World Bank: Nicole Frost, (202) 458 0511, nfrost@worldbankgroup.org
Website: https://www.worldbank.org/en/who-we-are/news/coronavirus-covid19
P.V