Một phía của Nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh: ITV
Trận hỏa hoạn nghiêm trọng vào chiều tối 15-4 đã gây tổn thất nặng nề cho công trình vốn được xem như vô giá của Paris. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đó là một "thảm kịch kinh hoàng".
Người dân Paris bàng hoàng trước thảm kịch cháy nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh: REUTERS
Biểu tượng nước Pháp
Theo đài BBC, không có địa danh nào khác đại diện cho nước Pháp theo cách riêng biệt và độc đáo như Nhà thờ Đức Bà Paris.
Ngay cả "đối thủ" chính về phương diện biểu tượng quốc gia với công trình này là tháp Eiffel, cũng chỉ có tuổi đời hơn một thế kỷ. Trong khi đó Nhà thờ Đức Bà Paris đã "sừng sững" giữa "kinh đô ánh sáng" từ những năm 1200.
Cửa kính hình hoa hồng, một trong những nét kiến trúc độc đáo và nổi tiếng nhất tại Nhà thờ Đức bà Paris - Ảnh: GETTY IMAGES
Các bức tượng bên trong Nhà thờ Đức bà Paris - Ảnh: THE DENVER CHANNEL
Nhắc tới tên công trình này, người ta không thể không nhớ tới tên tác phẩm văn học nổi tiếng viết năm 1831 của văn hào Pháp Victor Hugo là "The Hunchback of Notre-Dame" (Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris) và nhân vật chính là thằng gù Quasimodo.
Trước vụ hỏa hoạn, lần "gần nhất" Nhà thờ Đức Bà Paris bị tổn thất nặng nề là trong cuộc Cách mạng Pháp 1789. Trong suốt hai cuộc chiến tranh thế giới 1 và 2, công trình này hầu như không bị tổn thất gì.
Một công trình kiến trúc biểu tượng của đất nước đã sừng sững hơn 8 thế kỷ, không hề hấn gì trong cả 2 cuộc chiến tranh thế giới, nhưng nay lại bị hư hỏng nặng vì hỏa hoạn, có thể hiểu vì sao với nhiều người dân Paris nói riêng và người dân Pháp nói chung, cảm giác của họ sốc tới mức nào.
Hai tòa tháp của Nhà thờ Đức bà Paris - Ảnh: AFP
Nhà thờ Đức Bà Paris có gì đặc biệt?
Trước hết phải kể tới 3 bộ ô kính hình hoa hồng có từ thế kỷ 13 của tòa nhà, đây là một trong số những điểm nổi tiếng nhất của Nhà Thờ Đức Bà Paris. Hiện chưa rõ những ô kính đặc biệt này có còn giữ lại được sau vụ hỏa hoạn không.
Ô cửa đầu tiên, cũng là nhỏ nhất, nằm ở bề mặt phía tây, được hoàn thành vào khoảng năm 1225. Cửa kính hình hoa hồng ở phía nam có đường kính gần 13 mét và được làm từ 84 ô nhỏ. Tuy nhiên nó cũng không còn làm bằng loại kính nguyên bản nữa vì cũng đã bị phá hỏng trong các vụ hỏa hoạn trước.
Bức ảnh chụp ngày 23-3-2019 này cho thấy phần mái có chóp nhọn đang được tu bổ,
đây cũng chính là phần đã bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn ngày 15-4 - Ảnh: ABC7
Hầu hết du khách đến thăm Nhà Thờ Đức bà Paris đều sẽ dành thời gian đứng trước 2 tòa tháp được xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothic nằm ở mặt phía tây của tòa công trình.
Việc xây dựng công trình ở mặt phía tây bắt đầu từ năm 1200 nhưng tòa tháp đầu tiên, tòa phía bắc, chỉ hoàn thành mãi 40 năm sau đó. 10 năm tiếp theo, năm 1250, tòa tháp phía nam mới xây xong.
Mặt trước hai tòa tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris - Ảnh: AP
Cả hai tòa tháp này đều cao 68 mét và sau khi vượt qua 387 bậc leo lên, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Paris.
Nhắc tới Nhà thờ Đức bà Paris, dĩ nhiên không thể không nói tới hệ thống chuông nhà thờ. Nơi đây có 10 quả chuông. Quả lớn nhất là Emmanuel, nặng hơn 23 tấn và được lắp đặt tại tòa tháp phía nam năm 1685.
Năm 2013 khi Nhà thờ Đức Bà Paris kỷ niệm 850 năm tồn tại, họ đã đúc lại những quả chuông khác nhỏ hơn ở tòa tháp phía bắc. Mỗi quả chuông đều được đặt tên theo tên của một vị thánh.
Những con số "biết nói"
Nhà thờ Đức Bà Paris mỗi năm đón gần 13 triệu du khách tới thăm, nhiều hơn so với số du khách tới tham quan tháp Eiffel.
Đây là công trình kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 13 và hiện cũng đang trong quá trình tu bổ, cải tạo quy mô lớn.
Nhiều bức tượng và các phần bên ngoài của tòa nhà đã được tạm tháo dỡ để phục vụ công tác tu bổ.
Phần mái nhà thờ bị thiêu rụi trong đám cháy chiều tối ngày 15-4 được làm chủ yếu từ gỗ.
Cấu trúc bằng gỗ bên trong nhà thờ Đức bà Paris - Ảnh: NOTRE DAME DE PARIS
Cửa kính hình hoa hồng nhìn từ bên trong nhà thờ Đức bà Paris - Ảnh: THE DENVER CHANNEL
Khu thờ nguyện bên trong Nhà thờ Đức bà Paris - Ảnh: THE DENVER CHANNEL