'Nhiều người thấy bệnh nhân có những dấu hiệu đột quỵ tưởng rằng bị say nắng, cảm nắng nên bỏ qua. Điều này gây nguy hiểm vì bệnh nhân đột quỵ không được cấp cứu khẩn cấp sẽ dẫn đến tử vong'
Nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp, nhưng sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhất là với các đối tượng như người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính: tim mạch, huyết áp...
Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết: Nếu một người đang hoạt động ngoài trời nắng, đột ngột mất ý thức, ngất; da nóng ran, nhiệt độ cơ thể lên tới 40 - 41 độ C hoặc hơn thì đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, bệnh nhân đổ nhiều mồ hôi, da ẩm ướt, yếu nửa người (liệt tay, chân, méo mặt...), không cử động được, không nói được hoặc khó nói, nói ngọng, không xác định được thời gian và không gian. Một số bệnh nhân sẽ đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh, nông, có khi đau bụng, buồn nôn, choáng váng, chuột rút. Có thể kèm các triệu chứng lú lẫn, mất thăng bằng, thở dốc, hoa mắt, mặt tái nhợt, hoặc giãy giụa, mê sảng, hôn mê
|
“Nhiều người thấy bệnh nhân có những dấu hiệu đột quỵ tưởng rằng say nắng, cảm nắng nên có thể bỏ qua. Điều này gây nguy hiểm vì bệnh nhân đột quỵ không được cấp cứu khẩn cấp sẽ dẫn đến tử vong; thân nhiệt quá cao làm suy tim, suy thận và tổn thương não”, bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Nguyên nhân đột quỵ do nắng nóng
Khi trời nắng nóng, để thích nghi với thời tiết cơ thể bài tiết mồ hôi nhiều. Do bị mất một lượng nước khá lớn khiến nồng độ máu trong cơ thể giảm, độ kết dính trong máu tăng cao làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ.
Nắng nóng còn khiến hệ tuần hoàn, đặc biệt là tim hoạt động kém, kèm theo sự giãn mạch dẫn đến thiếu máu nuôi não, đặc biệt ở người có tiền sử xơ vữa động mạch, cao huyết áp.
Nắng nóng còn làm suy giảm chức năng các cơ quan, gây mất ngủ, rối loạn giấc ngủ… khiến nguy cơ đột quỵ dễ xảy ra. Nhiều người còn tìm cách tránh nóng bằng cách vào siêu thị, trung tâm thương mại hoặc để điều hòa với nhiệt độ quá thấp dễ dẫn tới giảm thân nhiệt đột ngột, khiến mạch máu dễ bị co lại và tình trạng đột quỵ có thể xảy ra.
Phòng ngừa đột quỵ ngày nóng
Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, chúng ta cần chủ động phòng ngừa đột quỵ có thể xảy ra cho bản thân và gia đình mình như theo dõi dự báo thời tiết để chủ động phòng tránh. Người cao tuổi không nên đi lại làm việc vào ngày nắng nóng, nhất là giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Ra ngoài trời cần có mũ nón, uống nước. Nên mặc dài tay và đội mũ rộng vành để bảo vệ da khỏi ánh mặt trời. Quần áo nên nhẹ và được làm từ chất liệu thoáng mát; không nên đột ngột từ phòng điều hòa ra ngoài nắng ngay mà phải có thời gian thích ứng với nhiệt độ ngoài trời.
|
Máy điều hòa chỉ nên để từ 26 - 28 độ C. Hoặc làm mát nhà bằng cách che nắng, mở cửa cho thông thoáng, bật quạt. Uống nước thường xuyên để tránh mất nước, nên dùng thêm nước trái cây, rau xanh. Người cao tuổi có bệnh tim mạch đã từng đột quỵ thì không nên ra ngoài nắng sau 10 giờ sáng. Không làm việc hoạt động gắng sức khi cơ thể mệt mỏi, đói, khát khi ở ngoài trời nắng.
Kiểm soát stress, ăn uống lành mạnh (tăng cường trái cây rau quả); ngủ đủ giấc; kiểm soát huyết áp và đường huyết; tránh xa rượu bia; thuốc lá.
Đối với những người đã từng bị đột quỵ, người nhà cần theo dõi sát vì dễ bị đột quỵ lại. Cần theo dõi sức khỏe định kỳ và dùng thuốc theo chỉ định, khi thấy bất thường trong cơ thể cần đi khám ngay.
Khi bệnh nhân có những dấu hiệu đột quỵ phải đưa đi cấp cứu ngay. Trong quá trình di chuyển cấp cứu cần chú ý những vấn đề sau: Nhanh chóng đưa bệnh nhân vào nơi thoáng mát, cởi bỏ bớt hoặc nới rộng quần áo, lau mát. Bệnh nhân bị ngất hoặc hôn mê không nên cố gắng cho uống nước vì dễ gây sặc nước vào phổi càng nguy hiểm.
Trường hợp bệnh nhân bị ngừng tim (bắt mạch hoặc sờ không thấy tim đập) phải làm hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực. Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị.
Thanh niên/ Văn Phương