Ngày 10-5 vừa qua, Bệnh viện Foch tại thành phố Suresnes (tỉnh Hauts-de-Seine của Pháp) đã chính thức tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện ca ghép thận cho bệnh nhân Jean-Pierre Saliège.
Ngày 2-12-1968, chàng trai Saliège 20 tuổi lên bàn mổ. Theo kết quả chẩn đoán, hai quả thận của ông bị hủy hoại dần do dị tật. Người hiến một quả thận ghép cho ông chính là mẹ ông.
Nhớ lại chuyện ghép thận, ông Saliège, nay 70 tuổi, bộc bạch với Hãng tin AFP: "Tôi được tái sinh lần nữa. Mẹ tôi đã sinh ra tôi hai lần".
Bác sĩ chuyên khoa thận Renaud Snanoudj ở Bệnh viện Foch giải thích: "Ca ghép thận này chắc chắn là một trong những ca ghép đạt kỷ lục về sống lâu. Chúng tôi biết có một trường hợp tương tự ở Los Angeles và có thể ở những nơi khác. Trường hợp như vậy khá đặc biệt".
Lúc bấy giờ ca ghép thận của ông Saliège do hai bác sĩ đi tiên phong trong ghép nội tạng thực hiện là bác sĩ phẫu thuật René Küss và bác sĩ chuyên khoa thận Marcel Legrain (hiện nay cả hai đều đã qua đời).
Vài tháng sau ca ghép, các bác sĩ theo dõi rất sát bệnh trạng của ông Saliège. Đến tháng 7-1969, ông bắt đầu có cảm giác sống trở lại bình thường.
Đến nay, dù chỉ với một quả thận, ông vẫn có thể hớp rượu, đi chơi hộp đêm hay chạy xe máy chứ chẳng cần sống chay tịnh.
Trong 50 năm qua ông đã trải qua 31 công việc khác nhau, kết hôn bảy lần và ly hôn cách đây 19 năm. Ông không có đứa con nào vì ông không thích, thế thôi!
Trong các ca ghép thận, chỉ khi nào người hiến là anh em sinh đôi bệnh nhân mới không cần dùng thuốc chống thải loại. Bởi thế đến nay ông Saliège phải uống thuốc chống thải loại mỗi ngày.
Trường hợp sống thọ sau ca ghép của ông Saliège rất đáng chú ý vì 50 năm trước, các bác sĩ Pháp mới chập chững ghép thận với vài ca mỗi năm và các biện pháp điều trị ngăn ngừa phản ứng thải loại cũng kém hiệu quả hơn bây giờ.
Ông Saliège trao đổi với báo giới: "Tôi đồng ý làm nhân chứng để truyền đi thông điệp hi vọng cho những người đang và sắp chịu ghép".
Mẹ ông Saliège năm nay đã 97 tuổi vẫn còn sống. Hằng năm cứ đến ngày 2-12 ông vẫn không quên tặng hoa cho bà.
Bác sĩ Renaud Snanoudj nhận xét: "Câu chuyện của ông Saliège đã đưa ra thông điệp về lợi ích của phẫu thuật ghép thận và chứng minh người hiến thận vẫn tiếp tục sống bình thường".
Bệnh viện Foch chính là nơi vừa thực hiện ca ghép tử cung đầu tiên ở Pháp vào ngày 31-3-2019.
Theo thống kê của Cơ quan Sinh học Pháp (trực thuộc Bộ Y tế), thời gian sống trung bình của người chịu ghép thận là 13,9 năm, 50% số người chịu ghép thận tiếp tục sống bình thường với quả thận ghép 13,9 năm sau ca ghép và 68,5% số người chịu ghép thận vẫn tiếp tục sống 15 năm sau ca ghép. Năm 2018 ở Pháp có 3.546 ca ghép thận, trong đó có 537 ca ghép từ thận của người hiến còn sống.
Theo tuoitre.vn