Gần 250 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu phía nam đóng cửa, hết xăng để bán, qua kiểm tra của cơ quan quản lý thị trường. Liệu sau những hóa đơn xử phạt, rút giấy phép, cảnh cáo... thị trường xăng dầu có “bình yên” trở lại?
Ngày 22.2, báo cáo nhanh của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy qua thanh kiểm tra, gần 250 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngưng hoạt động vì hết xăng và nhiều nguyên nhân khác. So với số 6.534 cửa hàng xăng tại các tỉnh phía nam, con số cửa hàng vi phạm chiếm tỷ lệ khá thấp, chỉ hơn 3,7%. Tại TP.HCM, có 5 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, 22 cửa hàng thiếu xăng RON95 để bán trên tổng 548 cửa hàng xăng dầu toàn TP. Thế nhưng con số cửa hàng vi phạm “khiêm tốn” này lại gây xáo động thị trường nhiên liệu trong hơn tháng qua.
Nguồn hàng thực tế không thiếu, nhưng quản lý điều hành đi sau biến động khiến thị trường rối loạn CHÍ NHÂN
|
Nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính và rút giấy phép...
Tổng cục QLTT đánh giá các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động chủ yếu tập trung tại khu vực miền Nam. Nguyên nhân do không có nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nên nhiều cửa hàng không còn xăng dầu để bán. Nhu cầu hàng hóa tại nhiều nơi trong cùng một địa điểm nên hệ thống xe bồn không kịp phục vụ. Nhiều cửa hàng tiến hành sửa chữa hoặc giải thể không kinh doanh có thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; không đủ nhân lực để kinh doanh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, cả chủ lẫn nhân viên bán hàng nhiễm bệnh; tạm ngưng hoạt động để sửa chữa, sang nhượng, thiếu vốn, không đủ vốn để đặt hàng, nhập hàng… Cơ quan này cũng nhấn mạnh ngay sau ngày 21.2 đã điều chỉnh giá cả xăng dầu, lực lượng QLTT vẫn tiếp tục giám sát. Tiếp tục tiến hành kiểm tra đột xuất nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc theo phản ánh qua đường dây nóng tại từng địa phương, xử phạt bổ sung, hoặc kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép…
Nói cây xăng găm hàng là chưa chính xác hoàn toàn mà chính đơn vị đầu mối không chịu bán ra, không chịu chi hoa hồng...
Trên thực tế trong hơn 2 tuần qua, quan sát của phóng viên Thanh Niên tại một số tỉnh thành phía nam cho thấy, một số cửa hàng kinh doanh xăng luôn có nhiều chiêu trò khác nhau trước kỳ tăng giá bán. Sau treo bảng hết xăng là đưa ra định mức bán hàng từ 30.000 - 50.000 đồng cho một xe gắn máy, 100.000 - 200.000 đồng/ô tô. Kế đó là treo biển “tạm ngưng phục vụ” hoặc vẫn mở cửa nhưng không có thông báo và cũng không phục vụ. Một số chủ cây xăng cho biết cách giao hàng cầm chừng, hạn chế từ các đầu mối đẩy các cây xăng chọn cách bán hàng theo định mức hoặc đóng cửa hàng và bị phạt.
Ngày 22.2, bà Thanh, chủ một cây xăng tư nhân tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), nói thẳng: “Thực tế ai găm hàng, bán cao thế nào từ đầu nguồn, chứ những cây xăng lẻ như chúng tôi đây hơn tháng qua toàn bù lỗ vì hoa hồng giảm quá sâu” và cho biết thêm: “Tui phải vay ngân hàng để bù lỗ, cầm cự từ tết đến giờ. Dân vào mua một lần 10.000 - 20.000 đồng tiền xăng, như hôm nay (22.2), doanh nghiệp (DN) đầu mối chỉ cho lời 20 - 30 đồng/lít dầu, 800 đồng/lít xăng thì chiều nay lại giảm còn 750 đồng/lít. Tuy nhiên chi phí vận chuyển phải chịu hết 500 đồng/lít, cửa hàng lãi ròng 300 đồng/lít. Nhưng đó chỉ là trên sổ sách, vì còn chi phí hao hụt do bay hơi, tiền điện, tiền thuế, nhân công… rất nhiều thứ nữa là coi như xăng không có lãi. Với mặt hàng dầu thì lãi 20 - 30 đồng/lít theo đại lý báo sẽ không đủ bù cho lượng dầu bay hơi. Các cửa hàng xăng tư nhân phụ thuộc rất lớn vào DN đầu mối, họ điều chỉnh tỷ lệ hoa hồng thay đổi hằng ngày. Thế nên, nói cây xăng găm hàng là chưa chính xác hoàn toàn mà chính đơn vị đầu mối không chịu bán ra, không chịu chi hoa hồng… Ở đây, trong huyện miền núi này, mỗi đợt xăng tăng giá, nhiều chủ cây xăng phải đi vay tiền ngân hàng bù vào chênh lệch mới đủ tiền mua xăng bán cho khách, nếu không có lại bị phạt”.
Nguồn hàng thực tế không thiếu, nhưng quản lý điều hành đi sau biến động khiến thị trường rối loạn CHÍ NHÂN |
Hy vọng không “giơ cao đánh khẽ”
Theo báo cáo của Bộ Công thương, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sau thời gian cắt giảm công suất và đang chạy ở mức 55 - 60% công suất, dự kiến sang tháng 3 này sẽ cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000 m3 xăng dầu nhưng dự kiến giao hàng là 540.000 m3, trong đó xăng chỉ giảm 5%, dầu giảm 30%). Tương tự, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn tăng thêm 5% (tương đương 28.000 m3 xăng dầu) để bù đắp lượng thiếu hụt. Hiện lượng xăng dầu tồn kho tại các DN đầu mối còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại (xăng 620.000 m3, dầu diesel 650.000 m3), chưa kể lượng tồn kho của các thương nhân phân phối và đại lý. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan và báo cáo của các DN đầu mối, nhập khẩu xăng dầu 15 ngày đầu tháng 2 này của các thương nhân đầu mối đã đạt 803.000 m3 (các tháng bình thường chỉ nhập khẩu khoảng 500.000 m3).
Để không tái diễn cảnh xáo trộn trên thị trường xăng dầu như vừa qua, dư luận mong ngành công thương làm quyết liệt hơn. Không phải chỉ xử lý các đơn vị bán lẻ mà giám sát công minh các đầu mối nhập khẩu, phân phối xăng dầu lớn. Việc này không khó bởi sổ sách đều có đủ, vấn đề là chúng ta có quyết tâm làm vì trách nhiệm không hay chỉ giơ cao đánh khẽ.
Như vậy, sang tháng 3, thị trường xăng dầu trong nước có nguồn cung theo đánh giá của Bộ Công thương là tương đối ổn định, tình trạng thiếu xăng cục bộ, găm hàng chờ tăng giá… sẽ được giải quyết triệt để. Song song với việc thanh tra các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, Bộ Công thương cũng đang thanh tra 33 DN đầu mối xăng dầu.
Thực tế, dư luận đang chờ kết luận thanh tra từ các đầu mối này và cho đây mới là “cá lớn” trên thị trường.
Chuyên gia Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty Tinh hoa quản trị, cho rằng để thị trường xáo trộn, xã hội nháo nhào vì giá xăng dầu trong tháng 2, trách nhiệm thuộc về cơ quan QLTT và ngành công thương. “Từ trước Tết Nguyên đán, ngành công thương đã biết rõ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ngưng hoạt động vì thiếu vốn. Họ có thông báo đầy đủ, ở vị trí quản lý và dự báo, tại sao ngành công thương không có phản ứng cho nhập lúc đó để thay thế tạm thời, để rồi vào tháng 2, ngay đúng dịp tết, nhà máy này cung cấp về đầu mối giảm đến 43%, khiến cả xã hội nháo nhào với xăng vậy? Tôi nói thẳng, ngành công thương chưa hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà Chính phủ giao tại thời điểm đó do chủ quan. “Bồi” thêm nữa là tình trạng nguồn cung khan hàng cục bộ do không điều chỉnh giá kịp thời theo giá thế giới, đẩy tình trạng các đầu mối găm hàng, vì càng bán càng lỗ. Rồi ngành QLTT, lẽ ra phải làm công tác giám sát ngay từ trước tết và có báo cáo để bộ nắm số liệu cửa hàng thiếu xăng tại các địa phương, có hướng xử lý. Đằng này, QLTT nhưng toàn đi sau thị trường, kiểm tra, giám sát sau khi báo chí, mạng xã hội phản ánh. Vai trò của QLTT đâu phải là chờ lệnh để đi thanh tra mà giám sát trước khi thị trường có biến động”, ông Đỗ Hòa bức xúc và nói thẳng: “Việc thanh tra, rút vài ba giấy phép, phạt vi phạm hành chính các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ là giải pháp bề nổi nếu không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Nếu đầu mối không giao hàng nhỏ giọt, chi lợi nhuận đầy đủ… các cây xăng đâu có lý do để hết hàng?”.
Thanh niên/ Nguyên Nga & Chí Nhân