Một trong những thách thức lớn đối với ngành Du lịch hiện nay là nhanh chóng kiện toàn nguồn nhân lực cho giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19. Thách thức này không chỉ đối với Việt Nam, mà tất cả các nước trong khu vực, trên thế giới đều đang phải đối diện.
Nhận thức được thực trạng trên, với vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra 03 giải pháp chính để khắc phục khó khăn: (1) Chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo, vừa tập trung ngắn hạn, dài hạn, vừa tập huấn, bồi dưỡng,… thành lập thêm các khoa nghiệp vụ du lịch để đào tạo trình độ nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin,… và chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế; (2) Chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đặc biệt đối với các khu vực gần kề như khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ,…; (3) Vận động doanh nghiệp thực hiện các chính sách ưu đãi để thu hút nguồn lao động; đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân lực tại đơn vị.
Đến nay, ngành Du lịch Thành phố cơ bản đã kiểm soát, khắc phục được những khó khăn về nguồn nhân lực.
Trên cơ sở xác định phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các ngoại ngữ đang thiếu nguồn nhân lực như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Thái, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức,…
Cụ thể, tổng số lực lượng hướng dẫn viên du lịch (sau đây gọi tắt là HDVDL) được cấp thẻ tính đến hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 7.340 HDVDL (bao gồm 4.360 HDVDL quốc tế và 2.980 HDVDL nội địa).
Đặc biệt, số lượng HDVDL sử dụng các ngoại ngữ hiếm như Hàn, Nhật, Đức, Tây Ban Nha,… rất ít, chỉ chiếm khoảng 13% so với tổng số ngoại ngữ; trong đó, ngoại ngữ Hàn và Nhật lần lượt là 0,06% và 0,39%.
Nhận thức thực trạng trên, trong thời gian vừa qua, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc, Trung tâm ngôn ngữ tiếng Hàn tại TP.HCM tổ chức 02 (hai) khóa bồi dưỡng tiếng Hàn miễn phí dành cho đội ngũ các cán bộ, công chức quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP.HCM, các nhân viên, người lao động công tác trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn, và đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM. Đồng thời, trên cơ sở bản Thỏa thuận hợp tác ngày 24 tháng 11 năm 2022 giữa Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Ngôi Nhà Hữu Nghị (VECASA) và Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF), Sở Du lịch đang triển khai chiêu sinh lớp bồi dưỡng tiếng Tây Ban Nha trình độ sơ cấp (miễn phí), thời gian học dự kiến bắt đầu từ ngày 21 tháng 02 năm 2023.
Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường và nâng cao kỹ năng sử dụng các ngoại ngữ đang thiếu nhân lực, góp phần phục hồi và phát triển ngành Du lịch; đồng thời, tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị tốt đẹp và bền vững giữa 02 nước Việt Nam – Nhật Bản, thiết thực Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 – 21/9/2023) với chủ đề “Việt Nhật đồng hành, Hướng tới tương lai – Vươn tầm thế giới”, hôm nay, ngày 09 tháng 01 năm 2023, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Thỏa thuận tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao ngoại ngữ tiếng Nhật nhằm trang bị, bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Nhật cho đội ngũ các cán bộ, công chức quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch trên địa bàn TP.HCM, các nhân viên, người lao động công tác trong lĩnh vực nhà hàng – khách sạn, và đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM. Qua đó, phục vụ tốt thị trường khách Nhật Bản – là một trong những thị trường trọng điểm truyền thống của du lịch Việt Nam cũng như du lịch TP.HCM, góp phần đạt mục tiêu, chỉ tiêu đón khách quốc tế trong năm 2023./.
SỞ DU LỊCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH