Tiếp nối mùa Hult Prize 2019 đã được diễn ra hết sức thành công, buổi họp báo thông tin chính thức đánh dấu sự quay trở lại của một mùa Hult Prize 2020 đầy hấp dẫn, bổ ích và đáng mong đợi. Với chủ đề: Lợi thế kinh doanh trên từng đồng doanh thu gắn với việc chống biến đổi khí hậu và môi trường, buổi họp báo không chỉ là cơ hội để các bạn sinh viên lắng nghe những chia sẻ của những gương mặt có ảnh hưởng trong xã hội, mà còn là dịp để các bạn kết nạp thêm kiến thức và tạo động lực cho mùa giải Hult Prize sắp tới.
Còn chần chờ gì nữa, cùng điểm qua những giây phút đáng nhớ trong buổi họp báo này nhé!
Các bạn thí sinh, học sinh sinh viên, các doanh nghiệp và cánh báo chí đã đến từ rất sớm trông chờ buổi họp báo được diễn ra. Bài hát “Quê hương Việt Nam tôi” đã mở đầu chương trình, mang theo một không khí nhẹ nhàng và lắng đọng bao quanh hội trường.
Tiết mục mở màn đậm chất quê hương
Buổi họp báo có sự góp mặt của các diễn giả, khách mời đặc biệt và những các tên có tầm ảnh hưởng trong xã hội: Anh Trần Việt Bảo Hoàng - CEO của Công ty Hoàn vũ Sài Gòn, phó BTC Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2019, ông John Ditty - chủ tịch hội đồng quản trị tại KPMG Việt Nam và Campuchia, ông Phan Đằng Chương - Lãnh đạo dịch vụ tư vấn EY Việt Nam, ông Thanyachat Auttanuakune - tổng giám đốc F&N Việt Nam, PGS. Hồ Quốc Bằng - giám đốc trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu Viện Tài nguyên và Môi trường - đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, anh Hồ Quang Hưng - trưởng ban chỉ đạo chương trình Hult Prize Đông Nam Á, ông Nguyễn Phương Nam - thành viên ban chỉ đạo, trưởng phòng kinh tế UBND quận 3, ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó giám đốc Sở khoa học và công nghệ, ông Trần Văn Phát- Tổng Giám Đốc Công ty Robot, Tổng thư ký Hội Doanh Nghiệp Quận 3, cố vấn BTC Hult Prize Đông Nam Á.
Các diễn giả, khách mời đặc biệt Press Conference Hult Prize 2020
Tiếp nối cho chương trình, ông Nguyễn Phương Nam - thành viên ban chỉ đạo, trưởng phòng kinh tế UBND quận 3 đã có đôi lời phát biểu và phát động chủ đề hết sức cấp thiết đối với Việt Nam: Hãy xây dựng mô hình kinh doanh và tạo tác động tích cực đến hành tinh này trên từng đồng doanh thu. Ông nhấn mạnh rằng, ban chỉ đạo tin tưởng và kì vọng những sự đột phá và gửi lời chúc cho chương trình sẽ gặt hái được nhiều thành công.
Ngay sau đó là những lời tâm tình hết sức gần gũi của anh Trần Việt Bảo Hoàng - CEO của Công ty Hoàn vũ Sài Gòn, phó BTC Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2019. Anh chia sẻ với tư cách một cựu thí sinh từng đạt giải nhất Hult Prize On Campus tại ĐH Ngoại Thương và Á quân Hult Prize vòng Regional tổ chức tại Thượng Hải.
Anh cũng hi vọng rằng, những bạn ngồi đây dù là một doanh nhân xã hội hay doanh nhân đơn thuần trong tương lai nhưng vẫn luôn mang trong mình những trách nhiệm hội. Từ cuộc thi này sẽ giúp các bạn luôn có những ý thức, có những tư duy, sứ mệnh làm việc cho những điều ý nghĩa và lớn lao hơn.
Anh Trần Việt Bảo Hoàng - cựu thí sinh Hult Prize đạt nhiều thành tích ấn tượng chia sẻ cảm nghĩ
Ngay sau đó là anh Hồ Quang Hưng - trưởng ban tổ chức chương trình Hult Prize Đông Nam Á có đôi lời phát biểu về những thành tựu của Hult Prize cũng như 17 mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua đó, anh cũng gửi lời cảm ơn đến đội ngũ BTC - những người đã đồng hành cùng anh trong chặng đường vừa qua, cùng nhau làm nên một mùa Hult Prize thành công. Cuối cùng, anh chính thức công bố phát động cuộc thi Hult Prize 2019-2020 cũng như những kế hoạch cụ thể về chương trình.
Anh Hồ Quang Hưng - trưởng ban tổ chức chương trình Hult Prize Đông Nam Á
Để làm nóng hơn bầu không khí của hội trường buổi sáng hôm đó, buổi tọa đàm được chính thức diễn ra với sự góp mặt của những nhà diễn giả với tên tuổi mang tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Cụ thể, đó là ông John Ditty - chủ tịch hội đồng quản trị tại KPMG Việt Nam và Campuchia, ông Phan Đằng Chương - Lãnh đạo dịch vụ tư vấn EY Việt Nam, ông Thanyachat Auttanuakune - tổng giám đốc F & N Việt Nam, PGS. Hồ Quốc Bằng - giám đốc trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu Viện Tài nguyên và Môi trường - đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Phiên tọa đàm của các vị diễn giả
Mở đầu cho buổi tọa đàm, PGS. Hồ Quốc Bằng chia sẻ đôi lời về vấn đề khí hậu, môi trường ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại, nhất là sự biến đổi khí hậu. Theo ông, 2 vấn đề lớn nhất ở mà Việt Nam đang phải đối mặt là ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Cụ thể, có 3 vấn đề chính hay diễn ra ở miền Nam Việt Nam dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu, đó là lượng mưa lớn dẫn đến lũ lụt, nhiệt độ tăng cao dẫn đến việc chúng ta không có đủ nước trong những mùa nắng nóng và chúng ta đã tiêu dùng quá mức năng lượng hóa thạch và thải khí CO2 ra môi trường. Cụ thể vào tháng 9 vừa rồi, người dân phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí trầm trọng ở Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mức độ ô nhiễm môi trường rất cao này đã ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe của con người và cộng đồng. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm nước là thực trạng dễ thấy nhất khi những con sông trên địa bàn thành phố đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề.
Tiếp lời cho PGS. Hồ Quốc Bằng, ông Phan Đằng Chương đã nêu lên cách thực hiện của mình nếu yêu cầu là mang trào lưu chống biến đổi khí hậu áp dụng vào doanh nghiệp của mình và tăng lợi thế cạnh tranh từ vấn đề trên. Theo ông, điều cần thiết là chúng ta nên xem lại toàn lại chuỗi giá trị của các doanh nghiệp để tạo ra cơ hội nhằm sáng tạo ra 1 dự án. Cụ thể, ông cho biết không chỉ đơn là sản phẩm, không chỉ ứng dụng mỗi công nghệ mà còn là mô hình kinh doanh giúp kết nối nhiều công ty, tổ chức lại với nhau để tạo nên hiệu quả vì môi trường hay vì hiệu ứng xã hội. Tiếp đó, ông còn nhấn mạnh: “Những sáng kiến của các bạn phải là những sáng kiến mang tính cộng đồng không chỉ mang lại lợi ích cho 1 tổ chức”.
Hơn thế nữa, ông còn cho thấy được tầm quan trọng của chuỗi cung ứng, và cách vận chuyển thông minh hơn bằng cách áp dụng những công nghệ, kĩ thuật hiện đại về số. Để rồi từ đó, ông đã đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên chuyên ngành tài chính: các nhà tài chính luôn tìm đầu tư về các doanh nghiệp có ý thức và chiến lực vì môi trường. Đây là cơ chế mà các doanh nghiệp Việt Nam đi từ những doanh nghiệp nhỏ đến những doanh nghiệp lớn. Tạo ra nền tảng để tài trợ hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển “Xanh”.
Nối tiếp buổi tọa đàm, ông John Ditty đã có những chia sẻ về những chính sách của công ty để giải quyết vấn đề này trong tương lai. Ông đã phát biểu: “Our policies is to encourage and support our staff in their daily lives to live better. We need more collaboration with government, business academia, society and individuals to develop better solutions.” (Tạm dịch: chính sách của chúng tôi là khuyến khích và cổ vũ nhân viên có một lối sống tốt đẹp hơn. Chúng tôi cần sự chung tay của chính phụ, học viện doanh nghiệp, xã hội và mỗi cá nhân để phát triển giải pháp tốt hơn). Ông còn cho biết thêm: “Renewable energy is not solving our problems. We need government and business and society to collaborate. our role is the facilitator” (tạm dịch:năng lượng tái tạo không giải quyết được vấn đề của chúng ta. Chúng tôi cần sự phối hợp của chính phủ và doanh nghiệp và xã hội. Vai trò của chúng tôi là người hỗ trợ)
Vị diễn giả cuối cùng, ông Thanyachat Autannuakune cho biết những điểm khác nhau và giống nhau của vấn đề môi trường ở Thái Lan. Theo ông, Việt Nam và Thái Lan có rất nhiều điểm chung trong vấn đề này, cụ thể là ô nhiễm nước và không khí. Đặc biệt hơn, người dân Thái Lan cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ môi trường, sức khỏe dần yếu đi. Ông còn cho biết thêm: Ô nhiễm không khí, đã tạo ra những làn sương mù bao phủ cả đất nước, và từ đó, công chúng biết thêm về các kích thước bụi PM, về cái gì tệ cho sức khỏe. Tuy nhiên, Thái Lan phải tiêu tốn 1% GDP để ứng phó với vấn đề ô nhiễm này.
Để đóng góp ý kiến cho các bài phát biểu của các diễn giải, GS. Hồ Quốc Bằng đã tóm lại phần tọa đàm bằng câu nói “nhìn chung, vấn đề của chúng ta là làm sao để phát triển doanh nghiệp để đi liền với phục vụ cộng đồng và bảo vệ hành tinh chúng ta. Các diễn giả đều mong muốn phát triển doanh nghiệp nhưng vẫn phải bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh của chúng ta, phục vụ cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho người dân.”
Để kết thúc cho buổi tọa đàm, ông Phan Đằng Chương đã chia sẻ những rủi ro để các bạn trẻ có thể suy nghĩ về lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh nhưng vẫn gắn liền với môi trường và xã hội. Theo đó, ông đã nêu ra rủi ro luật pháp, rủi ro về công nghệ, kĩ thuật, rủi ro vật lý để đưa ra kết luận rằng: Tất cả nhà đầu tư trong tương lai đều hướng tới “Green investment”, người ta muốn đầu tư vào các doanh nghiệp tận dụng các sản phẩm và tài nguyên. Lợi thế cạnh tranh bắt đầu từ việc các bạn làm việc riêng và sẽ thu hút được những nhà đầu tư.
Vậy là buổi họp báo cho chương trình Hult Prize 2020 đã chính thức khép lại. Thông qua chương trình, Hult Prize SEA hi vọng không chỉ riêng những nhà doanh nghiệp có thể tạo được hướng đi mới mẻ cho hoạt động kinh doanh “Xanh” của mình, mà hơn thế nữa, đội ngũ BTC hi vọng các bạn sinh viên sẽ tiếp thu được những kiến thức bổ ích từ các vị diễn giả, để từ đó có thể trau dồi kĩ năng và tạo ra những sáng kiến có ích cho cộng đồng, cho xã hội trong thời gian sắp tới. BTC hi vọng sẽ tiếp tục nhận sự ủng hộ và quan tâm của các bạn trong các hoạt động sắp tới!
Đội ngũ Ban Tổ Chức Hult Prize SEA 2020 cùng với ban lãnh đạo và các vị diễn giả, khách mời
Cuối cùng, Ban Tổ Chức xin gửi lời cảm ơn chân thành đến giới báo chí, các nhà tài trợ, ban chỉ đạo, ban tổ chức, các vị diễn giả, các vị khách mời, các doanh nghiệp và toàn thể các bạn học sinh, sinh viên đã tham dự buổi họp báo trong buổi sáng 31/10/2019 vừa qua. Chúng tôi hi vọng rằng, kết thúc buổi họp báo, các bạn sinh viên sẽ mang trong mình những suy nghĩ và sự sáng tạo trong kinh doanh nhưng vẫn có thể bảo vệ được hành tinh của chúng ta, vì chính các bạn sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Cách mà mỗi cá nhân sống và làm việc đều có tác động với môi trường, vì vậy, hãy cùng nhau chung tay vì một hành tinh tốt đẹp hơn!
Theo Hule Prize