Hà Nội, Việt Nam, 10/08/2021 – Để thúc đẩy các dịch vụ bảo hiểm dành cho người dân và doanh nghiệp, IFC và hai quỹ đầu tư do IFC quản lý đã đầu tư vào Công ty Cổ phần PVI, một trong những doanh nghiệp bảo hiểm lớn nhất tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp mở rộng các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, như bảo hiểm tài sản và các loại hình bảo hiểm khác, giúp bảo vệ người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy các điều kiện phù hợp cho phát triển kinh tế.
IFC và Quỹ Châu Á Mới nổi IFC và Quỹ Tăng trưởng Hướng tới Các Định chế Tài chính IFC, hai quỹ đầu tư dưới sự quản lý của Công ty Quản lý Tài sản IFC, một công ty con của IFC, đã mua 6,29% cổ phần của CTCP PVI từ cổ đông chiến lược lớn, HDI Global SE. Khoản đầu tư này sẽ giúp CTCP PVI tăng cường vị thế tại Việt Nam và mở rộng hoạt động ở khu vực Đông Nam Á. IFC và các quỹ của IFC, cùng với HDI Global SE, cũng sẽ hỗ trợ CTCP PVI tăng cường áp dụng những thông lệ tốt nhất toàn cầu về tuân thủ, quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro.
“Trong vai trò cổ đông, chuyên môn và kinh nghiệm của IFC trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tại các thị trường mới nổi nâng cao các tiêu chuẩn, năng lực quản trị công ty và quản lý rủi ro sẽ giúp CTCP PVI hoạt động tốt hơn, tiếp tục từng bước khẳng định vị thế trong khu vực, và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường vốn toàn cầu,” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào, cho biết. “Quan trọng hơn, tăng trưởng liên tục của CTCP PVI sẽ đóng góp vào sự phát triển cả chiều rộng và chiều sâu của ngành bảo hiểm Việt Nam, một thành tố quan trọng của hạ tầng dịch vụ tài chính đối với sự phát triển hơn nữa của Việt Nam.”
Chuyển đổi từ một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần niêm yết vào năm 2007, CTCP PVI là công ty mẹ sở hữu Tổng Công ty Bảo hiểm PVI, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Việt Nam, và Tổng Công ty Cổ phần Tái Bảo hiểm PVI, một trong hai doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước duy nhất tại Việt Nam. Tổng Công ty Bảo hiểm PVI cung cấp đầy đủ các giải pháp bảo hiểm phi nhân thọ cho khách hàng doanh nghiệp thương mại và công nghiệp cũng như khách hàng cá nhân. Hai cổ đông lớn của CTCP PVI bao gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thuộc sở hữu nhà nước và HDI Global SE, nhà bảo hiểm công nghiệp hàng đầu thế giới.
Hiện chỉ có khoảng 1,3% của gần 100 triệu người Việt Nam sử dụng các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ và tỷ lệ thâm nhập thị trường của ngành bảo hiểm phi nhân thọ chỉ ở mức 0,85% tổng sản phẩm quốc nội (2020). Việc mở rộng các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ sẽ giúp cung cấp mạng lưới bảo vệ an toàn cho dân số trẻ của Việt Nam. Sự sẵn có các dịch vụ bảo hiểm thương mại và công nghiệp sẽ cung cấp cho nhà đầu tư cơ chế hiệu quả để giảm thiểu rủi ro và bất ổn, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành một trung tâm sản xuất – chế biến ở châu Á và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực sản xuất theo định hướng xuất khẩu của Việt Nam – một động lực kinh tế quan trọng cho phát triển, tạo việc làm, và thịnh vượng chung.
Sau khi bán cổ phần cho IFC và các quỹ của IFC, HDI Global SE vẫn là cổ đông lớn nhất của CTCP PVI và có 48,1% quyền biểu quyết. Kết hợp với nhau, HDI Global SE và IFC và các quỹ sẽ nắm giữ trên 54% quyền biểu quyết tại CTCP PVI.
Về IFC
IFC—thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới—là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Chúng tôi hoạt động tại trên 100 quốc gia, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình, để tạo ra thị trường và cơ hội phát triển ở các quốc gia đang phát triển. Trong năm tài chính 2020, tổng đầu tư của chúng tôi vào các doanh nghiệp tư nhân và định chế tài chính tại các nước đang phát triển đạt trên 22 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung. Để biết thêm thông tin chi tiết, xin truy cập www.ifc.org.
Về Công ty Quản lý Tài sản IFC
Công ty Quản lý Tài sản IFC (AMC) là công ty con của IFC, huy động và quản lý vốn để đầu tư vào các doanh nghiệp tại các thị trường đang phát triển và cận biên. Thành lập năm 2009, AMC cung cấp cho các nhà đầu tư tổ chức hàng đầu cơ hội tiếp cận đặc thù đối với danh mục đầu tư tiềm năng vào các thị trường mới nổi và chuyên môn đầu tư của IFC, đồng thời mang lại tác động phát triển tích cực ở các quốc gia mà AMC đầu tư. Các nhà đầu tư vào các quỹ do AMC quản lý bao gồm các quỹ tài sản công, quỹ hưu trí và các định chế tài chính phát triển. AMC đã huy động được trên 10 tỷ đô la Mỹ thông qua 13 quỹ đầu tư bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay, và nguồn vốn từ các sản phẩm quỹ. Để biết thêm thông tin, xin truy cập www.ifcamc.org.
Về Quỹ châu Á Mới nổi IFC
Quỹ châu Á Mới nổi IFC trị giá 693 triệu đô la Mỹ, ra mắt năm 2016, thực hiện các khoản đầu tư vốn và tương tự vốn trong tất cả các lĩnh vực tại các thị trường mới nổi ở châu Á.
Về Quỹ Tăng trưởng Hướng tới Các Định chế Tài chính IFC
Quỹ Tăng trưởng Hướng tới Các Định chế Tài chính IFC trị giá 505 triệu đô la Mỹ, ra mắt năm 2015, thực hiện các khoản đầu tư vốn và tương tự vốn trong ngành dịch vụ tài chính ở các thị trường mới nổi trên toàn cầu.
Cập nhật thêm tại
www.ifc.org/eastasia
www.twitter.com/IFC_EAP
www.youtube.com/IFCvideocasts
www.ifc.org/SocialMediaIndex
www.instagram.com\ifc_org
www.facebook.com/IFCeap
www.facebook.com/IFCwbg
Thùy Dân