Hà Nội, Việt Nam, ngày 21 tháng 3 năm 2023—Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) là ngân hàng tiếp theo tại Việt Nam hợp tác cùng IFC để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Theo một thỏa thuận mới đây, IFC sẽ cung cấp một khoản vay trị giá 40 triệu USD – khoản đầu tiên của tổng gói vay dự kiến 120 triệu USD, nhằm giúp SHB có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhiều hơn và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hơn một phần ba khoản vay sẽ được dành riêng cho các DNVVN do phụ nữ làm chủ, với sự hỗ trợ từ Quỹ Tạo Cơ hội cho Nữ Doanh nhân (WEOF) và Quỹ Sáng kiến Tài chính Dành cho Nữ Doanh nhân (We-Fi) thông qua một cơ chế thưởng dựa trên hiệu quả hoạt động, nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính cung cấp vốn cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Khoản đầu tư của IFC dự kiến sẽ giúp SHB tăng gấp đôi số lượng các khoản vay dành cho DNVVN cũng như tổng dư nợ dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vào năm 2025. Tại Việt Nam, mặc dù DNVVN đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, tạo ra 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 50% việc làm, các doanh nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tài chính, với khoảng 62% tổng nhu cầu vốn của DNVVN chưa được đáp ứng. Một khảo sát của IFC vào năm 2017 ước tính nhu cầu vốn của các DNVVN tại Việt Nam là khoảng 21,7 tỷ USD.
"Chúng tôi tin rằng, nếu có những chính sách và giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhất là về dòng vốn ưu đãi như từ IFC, các DNVVN sẽ phát huy được nhiều hơn nữa thế mạnh, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững,” bà Ngô Thu Hà, Tổng Giám đốc SHB, cho biết. “Với sự hỗ trợ của IFC và các tổ chức cho vay quốc tế, Ngân hàng SHB sẽ có thể tăng cường hơn nữa nền tảng và bộ đệm vững chắc của mình, phát triển ổn định, bền vững và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.”
“Chúng tôi hân hạnh tiếp tục hỗ trợ các nữ doanh nhân để thúc đẩy tăng trưởng và tiếp sức cho doanh nghiệp của họ thông qua tăng cường khả năng tiếp cận vốn,” bà Charlotte Keenan, Giám đốc Toàn cầu Sáng kiến 10,000 Phụ nữ của Goldman Sachs phát biểu. “Chúng tôi sẽ hợp tác với SHB trong nỗ lực mở rộng cho vay các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam.”
Đáng chú ý là khoảng một phần năm gói vay sẽ được dành để cho vay các DNVVN tham gia chuỗi cung ứng. Khoản tài trợ này, cùng với những hoạt động tư vấn của IFC sẽ giúp SHB mở rộng quy mô tài trợ chuỗi giá trị – một phân khúc mới tại thị trường Việt Nam, cung cấp nhiều giải pháp tài chính hiệu quả với chi phí thấp hơn cho các nhà cung cấp tham gia vào các chuỗi cung ứng.
“Điều quan trọng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phải được hỗ trợ và có thể tiếp cận nguồn vốn cần thiết để phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh của mình,” ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết. “Mối quan hệ hợp tác mới của chúng tôi với SHB sẽ giúp ngân hàng củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi là phục vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ và giúp các doanh nghiệp đó được hưởng lợi từ nguồn vốn vay này cũng như liên kết với các chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ở Việt Nam.”
IFC cũng đang phối hợp với các tổ chức cho vay quốc tế để huy động một gói tài trợ bổ sung nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cho vay DNVVN của SHB. Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (GTFP) của IFC dự kiến sẽ cung cấp một hạn mức bảo lãnh thương mại trị giá 75 triệu USD cho SHB trong thời gian tới. IFC cũng sẽ tư vấn cho SHB nâng cao các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng như tăng cường năng lực quản lý rủi ro.
Giới thiệu về IFC
IFC—thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới—là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các thị trường mới nổi. Chúng tôi làm việc tại hơn 100 quốc gia, sử dụng vốn, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra thị trường và cơ hội tại các nước đang phát triển. Trong năm tài chính 2022, IFC đã cam kết một khoản tiền kỷ lục lên đến 32,8 tỷ USD cho doanh nghiệp tư nhân và tổ chức tài chính ở những nước đang phát triển, tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân để chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực và thúc đẩy sự thịnh vượng chung khi các nền kinh tế phải đối mặt với tác động của các cuộc khủng hoảng kép toàn cầu. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.ifc.org.
Liên lạc
www.ifc.org/eastasiaa
www.twitter.com/IFC_EAP
www.youtube.com/IFCvideocasts
www.ifc.org/SocialMediaIndex
www.instagram.com\ifc_org
www.facebook.com/IFCeap
www.facebook.com/IFCwbg
Giới thiệu về We-Fi
Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho Nữ Doanh nhân (We-Fi) được chính phủ của 14 quốc gia cùng đóng góp vốn, 6 ngân hàng phát triển đa phương đóng vai trò là đối tác thực hiện cùng với nhiều bên liên quan khác thuộc khu vực nhà nước và tư nhân. Quỹ We-Fi được chính thức thành lập vào tháng 10/2017 với tư cách là quỹ trung gian tài chính do Ngân hàng Thế giới tổ chức. Quỹ We-Fi đầu tư vào nhiều chương trình và dự án giúp giải phóng lượng vốn lên đến hàng tỷ USD để tháo gỡ toàn bộ rào cản mà nữ doanh nhân phải đối mặt—tăng khả năng tiếp cận tài chính, thị trường, công nghệ và tư vấn, đồng thời củng cố khung chính sách và các quy định pháp luật. Là một trong những đối tác triển khai We-Fi, IFC hỗ trợ các khách hàng thuộc khu vực tư nhân với nhiều dịch vụ tư vấn và đầu tư nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn và tiếp cận của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo, cũng như nâng cao năng lực của nữ doanh nhân để điều hành những doanh nghiệp tăng trưởng cao. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.we-fi.org.
Giới thiệu về Sáng kiến Goldman Sachs 10.000 Phụ nữ
Goldman Sachs 10.000 Phụ nữ là một sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đào tạo cho nữ doanh nhân trên khắp thế giới về quản lý và kinh doanh, cơ hội và khả năng tiếp cận vốn để phát triển doanh nghiệp. Sáng kiến này đã tiếp cận 10.000 phụ nữ từ hơn 150 quốc gia thông qua mạng lưới các đối tác học thuật, phi lợi nhuận và ngân hàng. Trong quá trình phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Sáng kiến Goldman Sachs 10.000 Phụ nữ đã khai trương quỹ tài chính toàn cầu đầu tiên kiểu này vào năm 2014 nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn của nữ doanh nhân. Và giờ đây, thông qua khai thác công nghệ, chương trình giảng dạy dành cho 10.000 phụ nữ được cung cấp trực tuyến thông qua nền tảng học tập trực tuyến Coursera, tạo khả năng tiếp cận giáo dục kinh doanh ở nhiều nơi trên thế giới. Để biết thêm thông tin về hoạt động đầu tư từ thiện của Goldman Sachs vào nữ doanh nhân, vui lòng truy cập https://www.goldmansachs.com/citizenship/10000women.
Giới thiệu về SHB
Ngân hàng SHB đã đạt được những kết quả kinh doanh ấn tượng trong nhiều năm qua, giữ vững vị trí Top 5 Ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam, Top 10 Ngân hàng TMCP uy tín nhất Việt Nam, và Top 50 Doanh nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam. SHB hiện có hơn 530 điểm giao dịch trong và ngoài nước, phục vụ hơn 5 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và kết nối với 500 ngân hàng đại lý khắp các châu lục. Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập www.shb.com.vn.
Thanh Xuân