Hà Nội, Việt Nam, ngày 3/12/2020 –Khóa học toàn diện về thiết kế xanh sẽ trang bị kiến thức và kỹ năng cho các kiến trúc sư và kỹ sư tương lai của Việt Nam để thúc đẩy xu hướng công trình xanh tại Việt Nam. Công trình xanh được nhìn nhận là một giải pháp bền vững nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển hạ tầng của quốc gia trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng các-bon thấp và tạo ra việc làm.
IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Xây dựng và Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu chương trình đào tạo công trình xanh đến sinh viên Việt Nam. Với các chủ đề đa dạng, chương trình đào tạo “Thiết kế nâng cao hiệu quả công trình” của IFC hướng dẫn sinh viên thiết kế kiến trúc sinh khí hậu kết hợp nâng cao hiệu quả tài nguyên.
“Trường Đại học Xây dựng bắt đầu triển khai các khóa học thiết kế xanh cho sinh viên từ năm 2017, nhưng tình trạng thiếu tài liệu giảng dạy và chuyển giao kiến thức toàn diện đã hạn chế hiệu quả của hoạt động này. Với sự hỗ trợ của IFC, chúng tôi rất vui mừng giới thiệu chương trình đào tạo này cho các kiến trúc sư tương lai với nội dung được xây dựng theo chuẩn quốc tế và hiệu chỉnh phù hợp với điều kiện địa phương,” Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Xuân Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho biết.
Nội dung cốt lõi của khóa học được phát triển bởi ETH Zurich, một trường đại học hàng đầu của Thụy Sĩ, dưới sự hướng dẫn của ban chỉ đạo bao gồm các giáo sư từ nhiều trường đại học trên khắp thế giới như Indonesia, Philippines và Úc. Ước tính, chương trình sẽ đào tạo kỹ năng thiết kế công trình xanh cho ít nhất 400 kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng trẻ gia nhập lực lượng lao động mỗi năm, qua đó thúc đẩy xu hướng xây dựng xanh tại Việt Nam.
“Điểm độc đáo của chương trình đào tạo này là sự kết nối giữa kiến thức và thực hành. Sinh viên sẽ được giới thiệu về ứng dụng EDGE – một phần mềm miễn phí cho phép người thiết kế lựa chọn các giải pháp xanh với mức chi phí phát sinh tương ứng cũng như thời gian hoàn vốn và khoản tiết kiệm được nhờ giảm chi phí vận hành cho bất kỳ dự án nào. Đây sẽ là một công cụ hiệu quả để sinh viên thực hành thiết kế xanh khi bắt đầu vào nghề,” Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Trưởng Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.
Ở Việt Nam, công trình cao tầng chiếm một phần ba tổng năng lượng sử dụng hàng năm của quốc gia. Hơn nữa, với đường bờ biển dài và thấp, Việt Nam hiện là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, trong khuôn khổ Chương trình Thúc đẩy thị trường Công trình Xanh, từ năm 2019, IFC đã phối hợp với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh triển khai giảng dạy khóa học này.
“Một phân tích của IFC ước tính rằng đến năm 2030, nhu cầu ngày càng tăng về nhà ở xanh tại Việt Nam sẽ mang lại cơ hội đầu tư trị giá nhiều tỷ đô-la. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần có các chuyên gia lành nghề để có thể tạo ra các thiết kế sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn,” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và CHDCND Lào cho biết. “Chương trình đào tạo công trình xanh của IFC sẽ trang bị cho kiến trúc sư trẻ Việt Nam các kỹ năng cần thiết để dẫn đầu xu hướng đô thị hóa bền vững và thân thiện môi trường hơn.”
Hợp tác với chính phủ Thụy Sĩ và Vương quốc Anh, trong sáu năm qua, IFC đã phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân để giới thiệu EDGE – một hệ thống chứng chỉ công trình xanh tự nguyện cho các thị trường mới nổi.
Về IFC
IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Chúng tôi hoạt động tại trên 100 quốc gia, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình, để tạo ra thị trường và cơ hội phát triển ở những nơi cần nhất. Trong năm tài chính 2020, tổng đầu tư dài hạn của chúng tôi tại các nước đang phát triển đạt trên 20 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung. Để biết thêm thông tin chi tiết, xin truy cập www.ifc.org.
Cập nhật thêm tại
www.ifc.org/eastasia
www.twitter.com/IFC_EAP
www.youtube.com/IFCvideocasts
www.ifc.org/SocialMediaIndex
www.instagram.com\ifc_org
www.facebook.com/IFCeap
www.facebook.com/IFCwbg
Thanh Đức