Trong bối cảnh Việt Nam chuyển dịch sản xuất điện theo hướng phát thải lượng carbon thấp để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng, IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, sẽ tài trợ hai dự án điện gió tại miền Trung Việt Nam.
IFC và Chương trình Danh mục Đồng cấp vốn (MCPP) do IFC quản lý sẽ cung cấp gói tài trợ trị giá 57 triệu USD cho Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình (TBW), công ty con của Công ty Cổ phần Cơ Điện lạnh (REE). Gói tài trợ này dành cho việc xây dựng hai nhà máy điện gió trên bờ - Phú Lạc 2 ở tỉnh Bình Thuận và Lợi Hải 2 ở tỉnh Ninh Thuận - với tổng công suất 54,2 megawatt. Khi bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2021, hai nhà máy sẽ sản xuất khoảng 170 triệu kWh năng lượng sạch mỗi năm.
Là công ty năng lượng gió thành lập năm 2009, TBW đã xây dựng và vận hành một trong những nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam – Nhà máy Phú Lạc 1 có công suất 24 MW tại tỉnh Bình Thuận. Với số lượng lớn các dự án điện gió và điện mặt trời dự kiến thực hiện, nguồn tài trợ của IFC và MCPP sẽ giúp công ty khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam. MCPP là sáng kiến hợp vốn sáng tạo của IFC, cho phép các nhà đầu tư tổ chức cam kết đồng cấp vốn cùng IFC cho một loạt các dự án đầu tư trong tương lai.
Công trường thi công nhà máy điện gió Phú Lạc 2 công suất 25,2 MW, tỉnh Bình Thuận. Nguồn: Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình (TBW
“Khi REE mở rộng dấu ấn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chúng tôi tìm kiếm tài trợ dài hạn bằng đồng USD vốn hiện không sẵn có trên thị trường trong nước. Chúng tôi tin tưởng rằng hỗ trợ của IFC sẽ giúp chúng tôi hiện thực hóa thành công chiến lược “xanh hóa” danh mục đầu tư ngành điện của chúng tôi trong những năm tới. Việc REE đáp ứng được những tiêu chuẩn tài chính, môi trường và xã hội của IFC đã cho thấy sự sẵn sàng và tiên phong của REE trong lĩnh vực năng lượng tái tạo,” ông Nguyễn Ngọc Thái Bình, Phó Tổng Giám Đốc REE cho biết.
Công trường thi công nhà máy điện gió Lợi Hải 2 công suất 29 MW, tỉnh Ninh Thuận. Nguồn: Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình (TBW)
Với kinh nghiệm toàn cầu phát triển các dự án điện gió, IFC sẽ giúp bảo đảm rằng hai dự án này tuân thủ thông lệ tốt nhất của ngành cũng như các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, và quản trị.
“Lĩnh vực điện gió ở Việt Nam tuy đang ở giai đoạn non trẻ nhưng đầy tiềm năng phát triển với quy mô lớn, và sự tham gia của IFC sẽ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, giúp huy động nguồn vốn cần thiết để hiện thực hóa tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam,” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết. “IFC đặc biệt cam kết hỗ trợ các công ty đầu ngành vững mạnh của Việt Nam như REE mở rộng quy mô đầu tư năng lượng tái tạo, hỗ trợ quá trình chuyển đổi hướng tới sản xuất điện phát thải lượng carbon thấp hơn của Việt Nam.”
Được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, theo dự báo, Việt Nam sẽ cần tăng gấp đôi công suất lắp đặt vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng. Công suất năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời mái nhà, dự kiến sẽ tăng khoảng 19 GW lên trên 36 GW trong thập kỷ tới, với chi phí ước tính khoảng 20 tỷ USD, phần lớn sẽ do khu vực tư nhân tài trợ.
Về IFC
IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Chúng tôi hoạt động tại trên 100 quốc gia, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình, để tạo ra thị trường và cơ hội phát triển ở những nơi cần nhất. Trong năm tài chính 2020, tổng đầu tư dài hạn của chúng tôi vào các công ty tư nhân và định chế tài chính tại các nước đang phát triển đạt 22 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung. Để biết thêm thông tin chi tiết, xin truy cập www.ifc.org.
Cập nhật thêm tại
www.ifc.org/eastasia
www.twitter.com/IFC_EAP
www.youtube.com/IFCvideocasts
www.ifc.org/SocialMediaIndex
www.instagram.com\ifc_org
www.facebook.com/IFCeap
www.facebook.com/IFCwbg
Thanh Đức